Theo dõi trên

Cá sạch Bình Thuận:  Khát vọng vươn xa

25/05/2016, 08:53 - Lượt đọc: 12

Bài 1: Khi con cá lên bờ…

BT - Nếu tàu, thuyền vô sớm thì không cần ướp đá, vì cá dính lưới đánh bắt lên sẽ không chết liền, cá vẫn ngấm đủ độ mặn để tươi roi rói cho đến lúc lên bờ. Với Hưng là ướp đá từng lớp, gửi cấp tốc vào TP. Hồ Chí Minh, còn Hiếu lại chọn phương pháp cấp đông…

         
   

   

         Cá tươi vừa đánh bắt tại cảng Phan Rí.

Cá lưới và lưới rút

Nghe nhóm bạn đang sống ở TP.Hồ Chí Minh truyền miệng nhau về cửa hàng Hải Nguyên chuyên cung cấp cá sạch từ vùng biển Phan Rí - huyện Tuy Phong cho người dân Sài Gòn. Tôi tò mò liên lạc mới biết chủ cửa hàng ấy là Nguyễn Thành Hưng và bạn gái Trần Nguyễn Nhã Trang (KP. Xuân Giang 1 - thị trấn Phan Rí Cửa) đều là bạn học của tôi từ cấp 2.

         
         Con cá sau khi đánh bắt phải hạn chế tiếp xúc với nước ngọt vì sẽ    dẫn đến hiện tượng thẩm thấu làm mất đi chất ngọt của cá.

Cuộc hội ngộ sau nhiều năm không gặp làm tôi và Hưng đều vui mừng. Biết được ý định của tôi, thay vì hẹn gặp tại quán cà phê, Hưng hẹn tôi 11 giờ trưa ghé cảng cá Phan Rí để biết cá sạch là thế nào. Dưới cái nắng chói chang ngày hè, cảng Phan Rí lúc giữa trưa tưởng sẽ vắng vẻ, yên ắng, nhưng lại nhộn nhịp, đông vui khi các bà, các chị tập trung chờ đón các ghe đánh bắt trở về. Xa xa vài chiếc thuyền đang tìm chỗ neo đậu sau một ngày đánh bắt quen thuộc. Hưng vừa chỉ tay vừa nói với tôi: “Thuyền đó là của ông chú, còn chiếc phía sau là của bà chị, ngày nào họ cũng đi biển, có cá nào ngon là mình lấy hết, tươi cong thích lắm. Mình cũng dặn thêm khoảng 10 chủ ghe khác quanh xóm, có cá ngon cứ gọi cho mình”. Thuyền vừa cập bến, Hưng vừa xắn tay áo, vừa í ới gọi mấy bà chị nhanh chân lại gần khiêng từng rổ cá chuyền tay nhau đưa lên bờ. “Mùa này đang mùa cá nam nên nguồn cá dồi dào lắm, đa dạng, đủ loại nào là nục, bạc má, mó, chỉ, hồng, ngừ, chim…”, vừa nói Hưng vừa chỉ tôi xem từng loại cá. Tôi tò mò lại gần ngồi chung với những người lựa cá và quan sát, những con cá tươi xanh, nhớt bóng, hai mắt trong veo được những người phụ nữ thoăn thoắt phân loại. Hưng hỏi tôi: “Bạn ra chợ có phân biệt được đâu là cá lưới, đâu là cá lưới rút không?”, tôi vốn dân biển nhưng trước câu hỏi của Hưng cũng há hốc mồm. Vốn rất nhiệt tình, Hưng chia sẻ: “Đối với các thuyền đánh bắt xa bờ, đi từ 15 - 20 ngày, có khi cả tháng trời nên con cá sẽ được ướp đá kỹ lưỡng. Đôi khi có vài người vì hám lợi sẽ ủ phân u rê để con cá được tươi lâu. Cá ướp u rê nhìn rất tươi, mắt cá cũng trong suốt, mang cá đỏ tươi hơn bình thường, nhưng khi ấn tay vào thân cá thì thấy mềm, không có độ đàn hồi như cá lưới, ngửi cá có mùi lạ chứ không có mùi tanh đặc trưng của cá. Đặc biệt, cá bị ngả màu, nếu tinh ý chút sẽ phát hiện ngay”.

         
   

      

         Hiếu và các thành viên trong nhóm tại cửa hàng M4S.

Tôi tiếp tục thắc mắc: “Vậy cá lưới có ướp đá không?”. Hưng nhìn tôi cười, giải thích cặn kẽ: “Mình chỉ lấy cá từ những ghe đi về trong ngày để đảm bảo độ tươi ngon, khoảng 2 giờ sáng họ đi, 10 - 11 giờ cập bến. Theo kinh nghiệm của ngư dân, nếu ghe vô sớm thì không cần ướp đá, vì cá dính lưới đánh bắt lên sẽ không chết liền, cá vẫn ngấm đủ độ mặn để tươi roi rói cho đến lúc lên bờ. Nếu cá nhiều hoặc ghe gặp trục trặc cập bến trễ hơn, cá sẽ được bỏ vào lồ (ki) rồi cho vào hầm đá để hạ nhiệt thân cá, giữ độ tươi. Tuy nhiên, khi lên bờ số cá đó sẽ được bán với giá rẻ hơn”. Sau 20 phút lựa cá xong, người nhà của Hưng nhanh chóng muối đá trực tiếp theo từng lớp và cấp tốc gửi xe vào TP.HCM. Hưng tiếp lời: “Sáng hôm sau dân thành phố có thể ăn được cá sạch mà không phải lăn tăn điều gì. Lúc đầu người mua không tin, nhưng thấy họ quay lại khen thịt cá ngọt, dai, thơm… và trở thành khách hàng thân thiết của mình lúc nào không hay”.

…Và “Cá ngủ đông”

Đang viết bài về Hưng, tôi lại phát hiện ra cửa hàng cá sạch M4S cũng lấy nguồn cá từ vùng biển Bình Thuận. Hẹn hò mãi, tôi mới gặp được Nguyễn Đức Hiếu (xã Tân Thắng- Hàm Tân) trong một ngày cuối tuần em về thăm quê. Chính bản thân không may bị ngộ độc trong một lần ăn cá mua ngoài chợ, đã khiến chàng sinh viên này thận trọng hơn với cá. Hiếu chỉ ăn cá đông lạnh được người nhà gửi vào hàng tuần. Một thời gian dài như thế, một hôm trong bữa ăn, chàng sinh viên năm 3 ngành Tài chính ĐH Ngoại thương TP.HCM bàn với Trần Anh Pháp (sinh viên ĐH Ngân hàng) và Cao Văn Phúc (sinh viên ĐH Công nghệ Thông tin) đều cùng quê Bình Thuận “Tại sao chúng mình không chuyển những thùng cá tương tự đến tay những người khác?”. Thế là ý tưởng bán cá đông lạnh hình thành.

Cuối năm 2014, cậu sinh viên lân la khắp các chợ truyền thống, chợ đầu mối, các cửa hàng bán cá ở TP.HCM… để tìm hiểu, thì mới phát hiện rằng, cá sạch ở thành phố này rất hiếm. Chàng thanh niên 9X tự hỏi: “Sao người tiêu dùng khó tiếp cận được cá sạch trong khi nguồn cá ở Bình Thuận không thiếu?!”. Để trả lời câu hỏi ấy, 3 chàng trai gom tiền tiết kiệm, về quê cùng nhau nghiên cứu quy trình sản phẩm. Nhớ lại khoảng thời gian đầu, chàng thanh niên cứ lấy tay vò đầu. Khó khăn chồng chất khi trong nhóm không có ai rành về cá, thậm chí gia đình cũng không có người nào làm nghề biển. Vào dịp cuối tuần, 3 chàng trai lại lân la đến nhà các ngư dân lớn tuổi trong vùng tìm hiểu kinh nghiệm ướp cá khi các thuyền đánh bắt xa bờ. Ghi ghi, chép chép, rồi thảo luận, rồi thử nghiệm… nhóm của Hiếu mới nghiên cứu thành công bí quyết bảo quản hải sản tươi lâu mà không dùng hóa chất sau 6 tháng ròng rã ăn ngủ cùng ngư dân. “Cứ ngỡ trữ đông cá đơn giản như mua cá về bỏ tủ lạnh, và không phải loại cá nào đưa vào cấp đông ngay cũng tươi mà ngược lại, có thể làm cho thịt cá bị bở”, Hiếu vừa cười vừa giải thích. Cuối cùng “Cá ngủ đông” đã ra đời trong niềm vui vỡ òa của các chàng trai 9X. Hiếu tiếp tục bật mí khi tôi không ngừng hỏi. “Con cá sau khi đánh bắt phải hạn chế tiếp xúc với nước ngọt vì sẽ dẫn đến hiện tượng thẩm thấu làm mất đi chất ngọt của cá. Thay vào đó, cá sẽ được rửa rạch bằng hỗn hợp nước biển và nước đá theo một tỉ lệ nhất định, rồi sẽ được sơ chế nhanh trong vòng 3 giờ đồng hồ, cấp đông trước khi chuyển vào TP.HCM. Mỗi loại cá khác nhau sẽ được cấp đông ở nhiệt độ khác nhau. Nghĩa là con cá chỉ tạm bước vào giấc ngủ đông cho đến khi ra mâm cơm của từng gia đình. Những khách hàng mua cá đã quay lại ủng hộ tiếp kèm theo lý do mà cả nhóm nghe xong sướng vô cùng: “cá ngon””- Hiếu cười cho tôi biết.

Chưa ai hình dung trước đó những chàng trai trẻ phải trải qua những trở ngại, khó khăn thế nào. Những giọt nước mắt của thất bại, của thành công bước đầu mà bây giờ nghĩ lại, họ vẫn nhớ rõ mồn một như mới diễn ra ngày hôm qua. Chuyện con cá sau khi lên bờ, tạo ra cá sạch được thị trường TP. HCM chấp nhận, bước đầu đã giúp các chàng trai, cô gái bước tiếp đến một cánh cửa khác - cánh cửa của khởi nghiệp từ thực phẩm an toàn, một mô hình kinh doanh thể hiện sự tử tế với mình, với người, với xã hội nhất nhưng cũng gặp nhiều trở ngại nhất.  

 M.V



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cá sạch Bình Thuận:  Khát vọng vươn xa