Theo dõi trên

Cần có đột phá mới trong phát triển kinh tế biển

19/09/2019, 09:44 - Lượt đọc: 6

BT- Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ có bờ biển dài 192 km, diện tích vùng lãnh hải rộng 52.000 km2, có 36 xã, phường, thị trấn ven biển thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố. Tại hội thảo phát triển bền vững kinh tế biển do Tỉnh ủy Bình Thuận phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức mới đây nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương để từ đó tỉnh nhà định hướng phát triển kinh tế biển trong tương lai.

Hội thảo đã thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín đến từ khắp mọi miền của đất nước về tham dự. Để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế về kinh tế biển của tỉnh Bình Thuận, dưới góc độ nhìn nhận, phân tích, đánh giá, đa phần họ hiến kế tỉnh cần đặc biệt quan tâm đầu tư quy hoạch xây dựng ven biển như: khu dân cư, đô thị du lịch biển, hệ thống kè bờ biển, cơ sở hạ tầng nghề cá. Đồng thời, nâng cấp mở rộng các tuyến đường ven biển nhằm khai thác quỹ đất, thúc đẩy phát triển du lịch dọc biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh. Tuy vậy, cũng có các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cho rằng hiện nay tiềm năng về du lịch biển của Bình Thuận chưa được khai thác phát huy đúng mức. Các chuyên gia khuyến cáo ngành du lịch tỉnh nhà nên có sự kết hợp hài hòa phát triển tài nguyên cảnh quan thiên nhiên khu vực ven biển, đồng thời tạo sự đột phá mới đối với các điểm đến nổi tiếng hấp dẫn để thu hút du khách.

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Bình Thuận cần có một nhà đầu tư đầu đàn để đầu tư lớn. Trên cơ sở đó phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì mới phát triển được du lịch Bình Thuận và từ đó sẽ có nhiều resort 5 sao, nhiều khách sạn 5 sao ở biển Bình Thuận để đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế.

Tiến sĩ Đinh Kiệm – Trường Đại học Lao động Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Bình Thuận cần phải có những chính sách khuyến khích, phát triển du lịch gắn với quyền lợi cộng đồng địa phương thì tài nguyên mới được bảo vệ bền vững, nếu không gắn kết với quyền lợi địa phương thì mạnh ai nấy làm, phá vỡ cảnh quan, môi trường, vì vậy ngành du lịch chúng ta sẽ không thể phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý, nhà khoa học cũng hiến kế cho tỉnh Bình Thuận về mô hình liên kết để phát triển kinh tế biển bền vững; tương tác phát triển kinh tế biển, đảo với đô thị hóa của tỉnh. Các chuyên gia cho rằng, xây dựng đô thị theo chức năng chuyên nghiệp và đặc thù sẽ nâng cao giá trị sản phẩm để có thể về lâu dài tạo được thương hiệu cấp quốc gia và quốc tế thay vì dàn trải nhiều ngành nghề, sản xuất quy mô nhỏ và công nghệ thấp chỉ đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp cho địa phương hoặc thị trường hẹp trong nước. 

Tiến sĩ  Nguyễn Hữu Nguyên – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Bình Thuận nên xây dựng đô thị theo mô hình chuyên ngành mũi nhọn hướng ra biển, tức là những đô thị có thể sản xuất nguyên vật liệu, vật tư… để phục vụ cho kinh tế biển. Khi chúng ta làm một đô thị mang tính chuyên biệt thì nó sẽ nâng cao chất lượng và sẽ tạo ra thương hiệu, ví dụ như một đô thị chuyên đóng tàu, không chỉ có Bình Thuận mà các tỉnh xung quanh sẽ đến để đặt đóng tàu ven biển; một đô thị chuyên sản xuất vật tư đánh cá, đồng thời phải có trình độ chuyên nghiệp cao để tạo ra thương hiệu và khi cần những thứ đó họ sẽ đến Bình Thuận.

Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thị Hồng Vân – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh: Ngay từ khi xây dựng các chủ trương chính sách, tỉnh cần đặc biệt quan tâm, chú ý đến việc liên kết, không chỉ phát triển kinh tế biển mà phải phát triển từng ngành, từng địa phương và có sự kết nối chặt chẽ với nhau mới có động lực để phát triển nền kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng.

ĐÌNH HÒA - NHƯ NGUYỄN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có đột phá mới trong phát triển kinh tế biển