Theo dõi trên

Cần “danh chính ngôn thuận” tổ hợp tác

28/02/2019, 10:55 - Lượt đọc: 92

BT- Tại các vùng chuyên canh thanh long trong tỉnh, theo nhu cầu phát triển, từ nhiều năm nay đã hình thành rất nhiều tổ hợp tác tự phát như tổ làm đất, tổ nhổ cỏ, tổ tỉa cành, tổ vuốt tai, tổ bón phân… Chủ vườn cứ gọi cho tổ trưởng, trả trọn gói số tiền thì sẽ được đáp ứng nhu cầu. Sau đó, chính người này sẽ huy động nhân công đến làm và tự trả tiền công cho từng người một theo thỏa thuận. Hình thức này vừa tiện lợi cho chủ vườn vì không phải nhọc công tìm từng nhân công một, vừa không mất thời gian giám sát quá trình làm việc của từng người. Tất cả, tổ trưởng sẽ đảm nhiệm, bảo đảm công việc sẽ đạt theo yêu cầu của chủ vườn. Đó là lý do vì sao những tổ như thế này ngày càng nở rộ, cạnh tranh nhau nâng chất lượng làm việc và nhà vườn thanh long có cơ hội lựa chọn tổ nào làm việc tốt nhất.

Trong khi đó, tại các vùng chuyên trồng lúa trong tỉnh cũng hình thành âm thầm những tổ như làm đất, cắt lúa…Tuy nhiên, do cây lúa mang lại lợi nhuận không cao bằng thanh long, lại có dịch vụ có sẵn lâu nay của các HTX nông nghiệp nên những tổ như thế xuất hiện không nhiều bằng. Với lại, các tổ hợp tác bên lĩnh vực lúa cần nhiều vốn để đầu tư máy móc hơn những tổ hợp tác bên thanh long, vốn dĩ chỉ dựa vào kỹ năng tay nghề nên khó tạo ra sự nở rộ tương tự. Do đó, có những xã, huyện, lúc vào mùa vụ lúa chín rộ trên diện tích rộng, làm không kịp, các hộ dân phải kêu các tổ gặt máy từ nơi khác đến. Và đó là lý do trong một số mùa gặt gần đây xảy ra chuyện ẩu đả giữa tổ gặt tại chỗ với tổ gặt của nơi khác đến. Điều đáng nói, khi đưa đến chính quyền xử lý thì rất khó, vì cả hai đều không có chứng thực hợp đồng hợp tác của chính quyền, có nghĩa cả hai đều không “danh chính ngôn thuận”, dù thực chất công việc đó hoạt động như một tổ hợp tác.

Theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP về tổ chức hoạt động hợp tác xã thì tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn của từ 3 cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Theo đó, tổ hợp tác được hưởng các chính sách hỗ trợ…

Dù đã có quy định rõ nhưng thực tế, những tổ hợp tác như trên tại tỉnh đều hình thành và hoạt động tự phát. Với các tổ hợp tác bên thanh long thì dù góp vốn không nhiều, chủ yếu dựa vào kỹ năng làm việc nhưng nếu không danh chính ngôn thuận thì cũng không có cơ hội phát triển theo thời gian. Còn với những tổ hợp tác cần hùn hạp vốn lớn, thì mọi khoản đóng góp tiền của hay công sức cũng như chia lợi nhuận của từng tổ viên đều dựa hoàn toàn vào lòng tin của nhau, của sự thỏa thuận. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ của kiện tụng, mất tài sản sau này...

Hảo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần “danh chính ngôn thuận” tổ hợp tác