Theo dõi trên

Cánh đồng lớn thanh long

01/05/2019, 09:11 - Lượt đọc: 18

Bài 2: Tạo vùng theo liên kết chuỗi

BT- Trước yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu, mô hình cánh đồng lớn thanh long ở Hàm Thuận Nam xây dựng vùng sản xuất an toàn tạo sản phẩm sạch theo liên kết chuỗi…

 Tiếp cận thị trường xuất khẩu

Toàn huyện Hàm Thuận Nam có trên 12.000 ha thanh long, trong đó có hơn 6.000 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Qua tìm hiểu, ngoài một số trang trại, HTX liên kết xuất khẩu thị trường khó tính, thì phần lớn thanh long sản xuất an toàn vẫn bán trái tươi qua đường tiểu ngạch. Và thực tế, tại tỉnh chưa có doanh nghiệp nào chuyên thu mua sản phẩm làm theo VietGAP. Vẫn còn những diện tích thanh long sản xuất đúng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt vẫn bán tiểu ngạch hoặc tìm những hướng đi khác chế biến sản phẩm giá trị gia tăng khi thị trường cho quả thanh long chưa ổn định. Việc chưa gắn kết được với thị trường tiêu thụ, nên giá cả thanh long an toàn chưa tạo sự khác biệt đáng kể về giá. Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc có nhiều thay đổi  trong việc “siết” chặt các quy định nhập khẩu rau quả vào nước này hạn chế tiểu ngạch tăng cường chính ngạch, truy xuất nguồn gốc. Nhất là từ 1/5/2019, Trung Quốc yêu cầu về việc gắn tem mác, vật lót, bao bì đối với các loại nông sản nhập khẩu nhằm tránh tình trạng côn trùng gây hại cũng như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Thanh long là 1 trong 8 loại trái cây Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Để nâng tỷ lệ hàng xuất khẩu quả thanh long vào thị trường đông dân nhất thế giới bằng con đường chính ngạch tốt hơn về giá lẫn tính bền vững thì phải cùng thay đổi canh tác, cần có sự liên kết giữa nhà vườn, nhà quản lý và doanh nghiệp.

                
Thanh long trang trại Bình An xã Thuận Quý.

Cơ hội và sự “bắt tay”…

Việc xây dựng cánh đồng lớn tạo vùng liên kết sản xuất an toàn GAP hướng đến sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, nhà đóng gói, kho lạnh, quản lý dịch hại, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Thực trạng hiện nay Hàm Thuận Nam đã có vùng chuyên canh cây thanh long liên canh, liên vùng, hạ tầng cơ bản đầu tư, ứng dụng công nghệ cũng đang triển khai cũng như diện tích thanh long     VietGAP đã được công nhận trên 50% đáp ứng sản xuất theo tiêu chuẩn cánh đồng lớn. Mục tiêu đến năm 2025, Hàm Thuận Nam thực hiện 3.000 ha cánh đồng lớn thanh long. Từ năm 2017 đã có 10 xã đăng ký diện tích thanh long thực hiện cánh đồng lớn với diện tích 276 ha. Hiện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang phối hợp UBND các xã đăng ký cánh đồng lớn cây thanh long thực hiện cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết với 120 ha tại HTX Hàm Minh 30 thuộc xã Hàm Minh với diện tích 20 ha/11 xã viên; HTX Phú Cường (Hàm Cường) với diện tích 20 ha/12 xã viên và trang trại Kim Hải (Tân Lập) với diện tích 80 ha.

Sự kiện Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai ký thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Nafood Group xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cây thanh long an toàn, hữu cơ tại tỉnh Bình Thuận theo chuỗi giá trị, với quy mô diện tích tối thiểu 10.000 ha trong thời gian từ năm 2019 đến 2023 là “tín hiệu vui” cho Hàm Thuận Nam khi xây dựng cánh đồng lớn. Những ngày này, ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp với Công ty cổ phần Nafood Group khảo sát thực tế trang trại để xây dựng vùng nguyên liệu trong chuỗi giá trị sản phẩm của công ty. Cũng như về lâu dài sẽ đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm thanh long tại địa bàn. Với hơn 6.000 ha thanh long công nhận VietGAP, nông dân sản xuất thông qua các tổ, nhóm, trang trại, huyện đã xây dựng 67 tổ liên kết sản xuất thanh long đã mở ra thêm cơ hội mới tiêu thụ thanh long an toàn ổn định. Bởi thực tế  hiện nay tại huyện các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu thanh long có quy mô nhỏ, mua bán bấp bênh chưa có khả năng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Mặt khác, các HTX hoạt động hiệu quả chưa cao không đủ năng lực thực hiện chủ trì liên kết mà đây lại là khâu then chốt thực hiện cánh đồng lớn.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng Phòng Nông nghiệp  - PTNT Hàm Thuận Nam cho rằng: Vì đây là mô hình mới, cùng với thay đổi nhận thức các bên tham gia chuỗi như doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và nông dân tuân thủ theo hợp đồng. Huyện chủ động kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực giới thiệu cho các tổ chức nông dân thực hiện cánh đồng lớn. Hướng dẫn nông dân xây dựng các tổ hợp tác, HTX hình thành tổ chức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị. Xây dựng khu ứng dụng công nghệ cao Hàm Minh và vùng sản xuất thanh long an toàn Thuận Quý…

Mô hình cánh đồng lớn ở vùng sản xuất thanh long lớn nhất tỉnh tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ sang trồng thanh long chất lượng cao. Đây là cách không chỉ duy trì thương hiệu thanh long Bình Thuận mà còn mang lại hiệu quả kinh tế bền vững vì uy tín của sản phẩm sạch.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cánh đồng lớn thanh long