Theo dõi trên

Câu chuyện cánh đồng lớn và thương hiệu gạo sạch ở vùng quê lúa

20/01/2020, 15:00

BT- Đức Linh, Tánh Linh là 2 huyện miền núi, song lại là vựa lúa lớn của tỉnh Bình Thuận. Đồng lúa 2 huyện xen kẽ những dãy núi đồi, trải dọc theo triền sông La Ngà đầy nước. Được người dân các tỉnh miền Trung và một số tỉnh phía Bắc chọn làm quê hương thứ 2, nơi đây hội tụ những con người cần cù, chịu khó, chăm làm và giàu khát vọng vươn lên. Chính nhờ những đức tính ấy mà người nông dân Đức Linh, Tánh Linh đã tạo nên những hạt gạo thơm ngon, có thương hiệu trên thị trường. Đời sống của người nông dân ngày càng khá giả hơn...

                
Một cánh đồng lúa ở Tánh Linh. Ảnh: Đình    Hòa

 Tìm hướng đi mới

Mùa gặt 2 năm trước, lên Đức Linh, chúng tôi được đồng chí Huỳnh Đa Trung, lúc đó là Bí thư Huyện ủy, đưa đi mục kích sở thị cánh đồng gần 400 ha, sản xuất lúa nếp chất lượng cao theo chuỗi giá trị, có sự liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, ở xã Đức Chính. Con đường ra đồng dài gần 5 cây số rộng rãi, có thể đi bằng xe ô tô 16 chỗ ngồi. Hai bên đường, cánh đồng lúa nếp đã chín vàng, trĩu những nhánh hạt căng tròn. Giữa thảm vàng của mênh mông lúa, những chiếc máy liên hợp đang nhịp nhàng gặt. Máy chạy đến đâu, gặt đến đó, rồi “nhả” rơm rạ ra 2 bên, thu về những hạt lúa nếp căng tròn, được đóng bao ngay trên máy. Rất nhanh và hiệu quả. Theo Bí thư Huyện ủy Huỳnh Đa Trung, doanh nghiệp liên kết thu mua lúa nếp ngay trên đồng, người dân chỉ có việc cân khối lượng và thu tiền. Lúa nếp có sản lượng khá cao, được giá hơn lúa gạo, nên thu nhập của nông dân được nâng lên. Mô hình sản xuất này hướng đến sử dụng ít phân bón hóa học, ít thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ môi trường và an toàn sức khỏe cho người nông dân.

Đức Chính chỉ là một ví dụ. Từ năm 2013, lãnh đạo huyện Đức Linh đã xác định: “Mô hình liên kết 4 nhà là biện pháp tối ưu... giúp nâng cao năng suất, hạ giá thành...”. Có chủ trương, cán bộ huyện, xã kiên trì bám đồng, lội ruộng, ăn cơm đồng với bà con nông dân để xây dựng kế hoạch và vận động bà con liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Huyện còn trích ngân sách hỗ trợ cho nông dân 30% giống, tổ chức tập huấn kỹ thuật, kỹ năng để thực hiện mô hình cánh đồng lớn và sản xuất lúa (nếp và gạo) chất lượng cao. Đến nay, Đức Linh đã quy hoạch vùng lúa chất lượng cao với diện tích khoảng 3.000 ha, sử dụng giống lúa xác nhận, gắn với liên kết tiêu thụ, tạo thành chuỗi giá trị có hiệu quả.

Cũng như ở Đức Linh, huyện Tánh Linh từ sớm đã xây dựng sản phẩm gạo chất lượng cao và tạo ra thương hiệu “Gạo Tánh Linh”, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Cùng với đó, là hình thành các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – người nông dân. Với những mô hình liên kết, sản phẩm của nông dân được doanh nghiệp liên kết bao tiêu, tạo ra chuỗi giá trị liên hoàn, rất thuận lợi và hiệu quả. Hiện nay, Tánh Linh đã quy hoạch được 1.000 ha sản xuất liên kết, 3.000 ha lúa chất lượng cao, bước đầu vận động một số nông dân, hợp tác xã sản xuất hữu cơ.

Những nơi sản xuất lúa kém hiệu quả, chính quyền địa phương 2 huyện chủ trương cho bà con nông dân chuyển đổi sang những cây trồng cạn khác, như mô hình “2 vụ lúa + 1 vụ bắp” hoặc luân canh các loại rau, đậu, bầu, bí... Do vậy, tiềm năng đất đai được khai thác tốt hơn, thu nhập của người nông dân ổn định và cao hơn trước.

 Và thành công qua những mô hình

Một trong những người nông dân được xem là “tiên phong” sản xuất lúa hữu cơ ở Tánh Linh là anh Nguyễn Công Khải ở xã Đồng Kho. Là bộ đội xuất ngũ, sau đó công tác ở ngành lương thực tỉnh, anh Khải gắn bó với cây lúa đến nỗi xa đồng là nhớ. Năm 1992, sau khi nghỉ công việc nhà nước theo chế độ mất sức lao động, anh rời thành phố, lên huyện miền núi Tánh Linh tiếp tục gắn bó với ruộng đồng. Nhận thấy giá trị của việc sản xuất lúa hữu cơ, anh đã từng bước chuyển sang phương thức sản xuất mới. Để tạo dinh dưỡng cho đất, sau khi gặt, anh không đốt, không cắt bán rơm rạ, mà dập xuống ruộng rồi dùng chế phẩm lên men để phân hủy thành phân hữu cơ. Theo anh Khải, cây lúa được dưỡng bởi phân hữu cơ lên khỏe, xanh mướt, cho hạt căng đầy và hương vị thơm ngon. Hiện nay, anh đã vận động được 22 thành viên hợp tác xã sản xuất lúa theo hướng liên kết chất lượng cao và 7 hộ khác cùng mình sản xuất hữu cơ. Toàn bộ sản lượng của bà con, anh thu mua với giá cao hơn 500 – 700 đồng/kg, nhưng theo anh Khải, sau khi hoàn thành quy trình thẩm định và được công nhận sản xuất hữu cơ, giá lúa sẽ cao hơn rất nhiều.

Cũng như câu chuyện của anh Khải, câu chuyện thương hiệu gạo Đức Lan là một ví dụ sống động nữa về tình yêu cây lúa... Gắn bó với đồng ruộng từ lúc còn nhỏ, theo bố mẹ ra đồng, Nguyễn Anh Đức hiểu nỗi khổ và những nguy cơ bệnh tật từ thuốc bảo vệ thực vật. Đến lượt làm cha, anh không muốn con mình hàng ngày sống cùng những thứ độc hại. Vậy là Nguyễn Anh Đức tìm hiểu kiến thức sản xuất an toàn và bắt đầu từ những mảnh ruộng của mình. Dần dà, anh vận động những người xung quanh cùng tham gia và thành lập được HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình với 9 thành viên. Các xã viên đã “dồn điền”, thực hiện sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình khép kín, tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 17 ha. Các xã viên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chỉ dùng phân hữu cơ và một ít phân bón hữu cơ vi sinh chứ không dùng phân hóa học. Thực hiện sản xuất hữu cơ tuy cây lúa phát triển có chậm hơn nhưng kết hạt chắc, căng đầy, cho ra hạt gạo trắng như sữa, mùi thơm, chất cơm dẻo, thơm ngon, để được thời gian lâu trong ngày. Thương hiệu gạo của HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận “Gạo Đức Lan”, nằm trong thương hiệu, chỉ dẫn địa lý “Gạo Tánh Linh”, hiện đang trở thành sản phẩm gạo bán chạy, “cung không đủ cầu” trên thị trường tỉnh Bình Thuận...

Thành công ban đầu của anh Khải, anh Đức và những người khác đang dần lan tỏa trong nông dân 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh. Xu hướng liên kết và sản xuất sạch, hữu cơ tuy đầu tư ban đầu có cao hơn so với sản xuất thông thường, nhưng không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đang được người nông dân lựa chọn. Từ sản xuất lúa, một số nông dân trở thành chủ doanh nghiệp nhưng vẫn bám đồng ruộng, làm chỗ dựa và tạo thêm động lực cho bà con trong vùng vững tin chuyển đổi sang mô hình sản xuất mới.

Làm lúa, người nông dân nào cũng nhớ một thời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, lấy công làm lãi, đủ ăn đã khó. Nhưng nhờ có hướng đi đúng, giờ đây, những người nông dân Đức Linh, Tánh Linh đã có thể từng bước khá giả từ lúa. Và đến mùa gặt, khi lúa ngoài đồng vàng ươm, trĩu hạt, nụ cười hạnh phúc lại làm khuôn mặt những người nông dân chất phác rạng rỡ thêm.

Bảo Ngân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện cánh đồng lớn và thương hiệu gạo sạch ở vùng quê lúa