Theo dõi trên

Chăn nuôi: Khi người tiêu dùng tỏ thái độ

10/02/2017, 10:25 - Lượt đọc: 94

BT- Những  ngày cuối năm 2016, giá thịt heo hơi  giảm sâu khiến nhiều nông dân, trang trại chăn nuôi lao đao, trong khi đó thịt heo đen, heo rừng lai thì lại vững về giá. Vì sao? 

Thịt heo giảm sâu

 Theo nhiều thống kê: thịt heo chiếm 30 - 45% lượng thức ăn hàng tuần của  nhiều gia đình Việt Nam. Chính vì lẽ đó, nhu cầu heo thịt tăng cao và một số người  chăn nuôi do hám lợi đã sử dụng chất tăng trọng  trộn vào thức ăn chăn nuôi để heo mau lớn, nặng cân. Thông qua các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng nhiều địa phương trong cả nước, cho thấy: đó là các chất cấm: salbutamol, beta agonist…  và một số  hóa chất khác…  Rộng ra, bên cạnh nguồn thịt heo an toàn đã xuất hiện nguồn thịt heo không an toàn, là tác nhân gây một số bệnh khó trị. Vì thế, người tiêu dùng mang tâm lý e ngại với thịt heo bị nghi ngờ nuôi bằng thức ăn có chất tăng trọng, cũng như hoang mang trước các loại thực phẩm bày bán ở chợ. Tình trạng người tiêu dùng e ngại kết hợp với nguồn thịt heo gần đây tăng mạnh do trước đó các nhà chăn nuôi phát triển đàn quá lớn để vừa tiêu thụ trong nước vừa xuất sang Trung Quốc, đã dẫn đến tình trạng heo thịt giảm giá trước Tết Đinh Dậu.  Tại Bình Thuận, giá thịt heo hơi chỉ còn 25.000 đồng/kg  trong dịp Tết Đinh Dậu, so với tết năm 2016,  giảm 25.000 đồng/kg.

Heo nuôi gia đình được giá

Trong lúc heo hơi nuôi bằng thực phẩm chăn nuôi tụt giá, heo  nuôi bằng thức ăn gia đình, nuôi thả rông lại được giá. Nguyên nhân, người tiêu dùng tìm thấy ở đó nguồn thịt heo an toàn.

 Bà Nguyễn Thị Cúc (Hàm Thuận Bắc) cho hay: “Tôi bán 15 con heo đen với giá 70.000 đồng/kg heo hơi. Vừa bán xong, có lái khác hỏi mua với giá 80.000 đồng, nhưng  không còn heo để bán. Hiện nay, “lái heo”  chuộng heo đen, loại heo dáng thon dài, còn heo nuôi bằng thức ăn công nghiệp thường bị chê hoặc ép giá”. 

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm –  một người chuyên đi vùng cao, miền núi Hàm Thuận Bắc mua heo cho biết thêm: Heo đen, heo rừng lai, ngoài thời gian nuôi nhốt, được thả trong vườn, tự tìm thức ăn, đi lại, lùng sục nhiều nên thịt chắc, ngọt, thơm.  Giá từ 70.000 – 90.000 đồng/kg hơi.

Phải làm ăn lương thiện

 Từ câu chuyện trên cho thấy, người tiêu dùng ngày càng cảnh giác với thực phẩm không an toàn. Trong chăn nuôi nếu sử dụng  chất tạo nạc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn ngành chăn nuôi trong nước, chưa kể tới  sự sa sút về chất lượng giống vật nuôi; khó xuất khẩu sản phẩm ra  thị trường ngoài nước. Vậy nên, thịt heo phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để làm được điều đó phải kiểm soát toàn bộ quá trình nuôi, gồm chuỗi 3F (Feed - Farm - Food”-thức ăn chăn nuôi  - trang trại chăn nuôi - thịt sạch).  Trước khi xuất bán, cán bộ thú y phải kiểm nghiệm chất lượng, đảm bảo thịt sạch và an toàn.

Bình Thuận cần có cửa hàng thịt an toàn

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, một số  nơi như:  Bắc Hà (Lào Cai), Sóc Sơn (Hà Nội), Phú Thọ...  đã nỗ lực xây dựng các trang trại heo  cung cấp nguồn thịt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ khâu con giống đến giết mổ đều thực hiện trong quy trình khép kín và đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bình Thuận cũng nên triển khai nuôi heo, cung cấp nguồn thịt an toàn. Bước đầu  có những khó khăn nhất định, nhưng nếu quyết tâm dần dần sẽ thành công.

 Trang Hiếu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chăn nuôi: Khi người tiêu dùng tỏ thái độ