Theo dõi trên

Chống khai thác IUU: Quan trọng là ý thức ngư dân

28/08/2019, 13:41

BT- Mặc dù thị xã La Gi đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa cao, các hành vi khai thác IUU vẫn còn xảy ra.

                
      
   Tuyên truyền giúp ngư dân hiểu tầm quan    trọng của việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

Tuyên truyền ngư dân

Cuối tuần qua, UBND thị xã La Gi phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh tuyên truyền các quy định về trang bị, quản lý hoạt động hệ thống giám sát tàu cá. Triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá nhằm phục vụ cho công tác quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Toàn thị xã La Gi có 2.065 tàu, trong đó tàu cá xa bờ đang quản lý theo công suất từ 90CV trở lên hiện có 1.108 chiếc. Theo quy định mới lấy chiều dài để xác định tàu cá đánh bắt xa bờ có 688 tàu sẽ triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Theo lộ trình 688 tàu cá sẽ hoàn thành việc lắp đặt đến tháng 4/2020, trước mắt trong tháng 10/2019 lắp đặt cho 152 chiếc tàu.

Cùng với việc làm này, thời gian qua, các đoàn thể, mặt trận thị xã tăng cường tuyên truyền cho ngư dân, các chủ tàu, thuyền trưởng tuân thủ các quy định khai thác hải sản nhằm thay đổi ý thức ngư dân. Các hội đoàn thể ngoài các buổi tuyên truyền, còn trực tiếp xuống thôn, khu phố nơi có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành pháp luật khi khai thác hải sản trên biển. Đồng thời, ký cam kết không khai thác hải sản bất hợp pháp, kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm trước cộng đồng dân cư. Một ngư dân phường Phước Hội cho biết: “Nhiều ngư dân và người hoạt động dịch vụ nghề cá thường xuyên được dự các buổi tuyên truyền, cũng như nghe đài phát thanh về quy định xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài…đã giúp chúng tôi hiểu biết khi đánh bắt cũng như nhắc nhở thêm cho các bạn thuyền”. Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng cá La Gi cũng tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với tàu cá xuất bến và cập bến khi chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định. Trong đó, tập trung kiểm tra chặt chẽ 2 nhóm nghề nguy cơ và tính chất hành vi vi phạm nghiêm trọng là nghề câu khơi và nghề giã cào. Từ đầu năm đến nay, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá phối hợp Ban Quản lý cảng cá La Gi kiểm tra sản lượng lên bến cho 203 lượt tàu cập cảng, thu nhận 203 giấy xác nhận tàu cập cảng, 203 sổ nhật ký khai thác và thực hiện xác nhận được 10 lần/329 tấn, 689 kg hải sản các loại.  

Kiểm soát chặt hoạt động nghề cá

Theo khuyến nghị của Ủy ban Liên minh châu Âu (EC), để chống khai thác IUU thì việc kiểm tra hồ sơ tàu cá, thiết bị an toàn tàu cá, ngư lưới cụ, giám sát tàu ra vào cảng, kiểm soát sản lượng và giám sát ghi nhật ký khai thác là những nội dung quan trọng cần được thực hiện chặt chẽ. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm khai thác như giã cào nhám, không đăng ký, đăng kiểm tàu cá, hành nghề lặn trái phép, không ghi nhật ký khai thác, tàng trữ kích điện… cũng gây khó khăn trong công tác quản lý. Cụ thể, trong số 315 tàu cá kiểm tra từ đầu năm đến nay đã có 71 trường hợp vi phạm pháp luật về khai thác hải sản bị xử phạt với số tiền 322,4 triệu đồng.

Thời gian tới, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng cá La Gi kiên quyết không cho tàu cá xuất bến khi chưa hoàn tất thủ tục và nhắc nhở, vận động ngư dân ghi nhật ký khai thác thủy sản đầy đủ. Một điều quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản là ý thức của ngư dân. Bởi suy cho cùng, việc lắp thiết bị giám sát hành trình chỉ là giải pháp công nghệ, còn việc khai báo, ghi sổ sách, ngư trường… đều do ngư dân thực hiện. Giữa biển khơi mênh mông, nếu ngư dân làm theo kiểu đối phó thì các cơ quan chức năng trên bờ khó kiểm tra, giám sát. Vì vậy, bản thân các ngư dân cần thay đổi trong nhận thức, tự giác chấp hành tốt hơn các quy định về ngư trường đánh bắt, ghi chép nhật ký. Điều này không chỉ vì lợi ích của chính ngư dân mà còn góp phần xây dựng, phát triển nghề cá bền vững.

Phòng Kinh tế La Gi cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay thị xã La Gi xảy ra 4 vụ/5 tàu cá/32 ngư dân khai thác trái phép vùng biển nước ngoài (Malaysia, Thái Lan) bắt giữ. Hiện có 1 trường hợp của phường Phước Hội được thả về, chủ tàu đã bị xử phạt hành chính và kiểm điểm, phê phán trước cộng đồng. Còn lại 4 trường hợp đang bị phía nước ngoài giam giữ người và tàu cá nên chưa xử lý.

 T.Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chống khai thác IUU: Quan trọng là ý thức ngư dân