Theo dõi trên

Chủ động phòng chống cháy rừng mùa khô ở Đa Mi

07/12/2018, 11:07 - Lượt đọc: 18

BT- Tháng 12. Mưa rừng ở Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) bớt đi. Rừng hãy còn xanh, nhưng đã có những nơi chuyển sang vàng lá. Cỏ tranh, thứ cỏ dễ cháy bắt đầu cong xuống… nằm xếp vào nhau. Trong mắt của những người làm lâm nghiệp, lúc này là giao mùa và chỉ  sau thời gian ngắn, khi giêng, hai về là  những khu rừng sẽ vào tình trạng dễ cháy cấp thấp, sau đó tăng dần khi mùa khô chính thức đến. Hiểu được điều này, ngay trong cuối tháng 11 năm nay, anh Ngô Công Thanh - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi (BQLRPH) đã gởi báo cáo về Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết đã đề ra kế hoạch tuần tra  bảo vệ rừng gắn với phòng chống cháy rừng. 

                
Treo biển cấm để cảnh báo phòng cháy rừng.    Ảnh minh họa

Anh Ngô Công Thanh giải thích thêm: “Ban đang quản lý 19.824 ha rừng, gồm 31 tiểu khu, với địa hình phức tạp, khó khăn trong việc đi lại, tiếp cận. Cụ thể, rừng phòng hộ:  14.744 ha, rừng sản xuất 5.000 ha (số tròn). Lâm phần  lại giáp ranh với một số xã của tỉnh bạn, vốn có không ít người dân sống với nghề làm rẫy, thường lấn chiếm đất lâm nghiệp. Do đó việc họ xâm canh, tác động vào rừng một cách trái phép là chuyện không tránh khỏi, cũng như khó mà nói không xảy ra cháy. Trong những trường hợp như vậy, nhiều khi lực lượng phòng cháy, chữa cháy của xã, của Ban cùng phối hợp đến nơi thì đã có thiệt hại  rồi”.

Để  giảm cháy rừng, cũng như giảm thiệt hại về rừng trong mùa khô, BQLRPH xác định cần  tăng cường tuần tra rừng, với các lực lượng là: đồng bào nhận khoán bảo vệ rừng,  cán bộ, nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng và lực lượng phòng chống cháy rừng của từng địa phương có rừng. Theo đó, gần 500 hộ dân nhận khoán bảo vệ  17.185 ha rừng, thuộc các dự án sẽ cùng với các trạm quản lý bảo vệ rừng đi kiểm tra rừng. Qua đó lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ rừng cho dân sống cạnh các vùng rừng. Trong vấn đề này, BQLRPH cũng thực hiện tốt việc chi trả tiền công giữ rừng cho dân để người nhận khoán đề cao trách nhiệm, không lơ là. Bắt đầu từ tháng 12 trở đi, BQLRPH bố trí lực lượng ứng cứu chữa cháy rừng ở các trọng điểm, những nơi hay cháy. Ngoài ra, còn đốt chần ở các tiểu khu 186, 187A, 189… vốn hay cháy. Một vấn đề nữa là tổ chức theo dõi, nắm bắt thông tin, ngăn chặn từ xa những người trước đó có hành vi phá rừng làm rẫy. Anh Ngô Công Thanh nói thêm: “Diện tích rừng lớn, nhưng người để bố trí cho các trạm của BQL RPH thì mỏng… Trong khi đó, hành vi khai thác lâm  sản trái phép của một số đối tượng thì ngày càng tinh vi… nên đây là cuộc chiến đầy cam go. Chính vì vậy, BQLRPH lúc nào cũng đề cao trách nhiệm, cũng như không  một ngày nào, người của Ban không tổ chức đi rừng”.

Mùa khô đang về, lại một mùa phòng chống cháy rừng căng thẳng, cam go ở Đa Mi. 

H.H



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ động phòng chống cháy rừng mùa khô ở Đa Mi