Theo dõi trên

Chú trọng tái cơ cấu ngành thủy sản trong phát triển kinh tế biển

08/02/2018, 11:27 - Lượt đọc: 12

BT- Bình Thuận được xác định có thế mạnh về kinh tế biển. Vì vậy để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trong đó cần phải chú trọng đến nhiệm vụ tái cơ cấu ngành thủy sản. Mục tiêu chung của tái cơ cấu ngành thủy sản là phát triển thủy sản bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Xây dựng ngành thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Trong đó cần tập trung các nhiệm vụ nâng cao hiệu quả khai thác, nuôi trồng, gắn với chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm, nhất là tập trung cho các ngành hàng xuất khẩu.

                
Ảnh: Đ.Hòa

Những năm gần đây, trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành thủy sản,  Bình Thuận đã chú trọng phát triển khai thác xa bờ có tổ chức gắn với dịch vụ hậu cần, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tuyến bờ và tuyến lộng. Theo đó, chính quyền địa phương và ngành thủy sản đã thực hiện quyết liệt, không cho phát triển tàu cá dưới 30 CV. Tiếp tục quản lý chặt chẽ, đúng tuyến khai thác đối với số tàu đang hoạt động và khuyến khích chuyển nghề nhằm từng bước giảm số lượng thuyền nghề lưới kéo. Tiếp tục thực hiện chính sách phát triển thủy sản đạt kết quả, năng lực khai thác hải sản xa bờ tiếp tục chuyển biến tích cực. Đến đầu năm 2018, số lượng tàu cá công suất từ 90 CV trở lên  tại Bình Thuận là 3.014 chiếc, tăng 119 chiếc so với đầu năm 2017. Trong đó có 56 chiếc tàu đóng mới hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Các tàu cá công suất lớn được đầu tư trang bị khá hiện đại gồm máy lọc nước biển, máy dò ngang, hệ thống tời thủy lực… Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản đã có những chuyển biến tích cực, nhiều tàu đã cải tiến hệ thống khoan, hầm đông theo tiêu chuẩn hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác.

Công tác tổ chức sản xuất trong khai thác theo hình thức tổ đội sản xuất tiếp tục được quan tâm. Chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đã rà soát, giải thể các tổ đội hoạt động hình thức, không hiệu quả và củng cố thành lập các tổ đội hoạt động thực chất hơn. Đến nay toàn tỉnh có 241 tổ đoàn kết/2.150 tàu/15.311 lao động và 5 nghiệp đoàn nghề cá, vừa tương trợ, hợp tác sản xuất vừa kết hợp vươn khơi bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Trong năm 2017, qua bước đầu thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, sản lượng khai thác hải sản cả năm đạt 212.700 tấn, tăng 4,4% so năm 2016. Về sản lượng thủy sản nuôi trồng trong năm 2017 cũng đã thu hoạch đạt 13.856,6 tấn, tăng 18% so với năm trước. Sản xuất tôm giống tiếp tục phát huy lợi thế, phát triển theo xu hướng giảm các cơ sở nhỏ, phát triển cơ sở quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ trong năm 2017 đạt 24 tỷ post, tăng 10% so với năm 2016.

Trong những năm sắp đến, để đạt hiệu quả trong công tác tái cơ cấu ngành thủy sản, Bình Thuận cần thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như sau:

Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, điều chỉnh chính sách đầu tư công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền; tổ chức các mô hình theo chuỗi, các hợp tác xã kiểu mới, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đào tạo nhân lực; phát huy tốt diện tích đã có và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm dịch bệnh; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất giống, cơ sở chế biến thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; đầu tư khoa học kỹ thuật, tăng cường quản lý môi trường đi liền với cảnh báo dịch bệnh.

H.Lê



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chú trọng tái cơ cấu ngành thủy sản trong phát triển kinh tế biển