Theo dõi trên

Chủ vựa Thanh long “khốn đốn” vì thương lái Trung Quốc

11/01/2018, 10:47

BTO- Kịch bản các thương lái Trung Quốc thông qua các chủ vựa, thương lái người Việt để mua thanh long, ban đầu thì trả tiền cọc sòng phẳng để tạo uy tín. Sau khi chiếm được lòng tin, họ bắt đầu thanh toán nhỏ giọt. Khi số nợ đã lên đến hàng tỷ đồng, các thương lái Trung Quốc bắt đầu tung chiêu“đánh bài chuồn”. Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng trước lợi nhuận và đầu ra béo bở, nhiều chủ vựa, thương lái thanh long vẫn bị sập bẫy và đứng trước nguy cơ trắng tay, nợ nần chồng chất.


Đi dọc tuyến đường quốc lộ 1A từ huyện Hàm Thuận Nam đến huyện Bắc Bình, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều vựa thanh long lớn ghi bảng hiệu tiếng Việt kèm tiếng Trung Quốc. Hằng ngày, tại các điểm thu mua thanh long, hàng chục xe container tấp nập xếp hàng nằm chờ vận chuyển thanh long ra phía Bắc, rồi xuất qua cửa khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyện mua bán thanh long chẳng có gì đáng nói nếu như các thương lái Trung Quốc giao dịch “sòng phẳng” với người trồng thanh long Bình Thuận.

Dùng chiêu “đặt cọc” lấy lòng tin

Mới đây, tại vựa thanh long Bé Hai thuộc thôn 4, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, hàng chục nhân công làm thanh long và chủ vựa khốn đốn vì bị thương lái Trung Quốc quỵt hơn 2,5 tỷ đồng tiền mua thanh long, khiến đời sống của họ  hiện rất khó khăn.

Ngày 29/11/2017, 3 thương lái gồm LiLongXinh (sinh năm 1988, quê Quảng Tây - Trung Quốc), LiLiLin (còn gọi là Lý Lâm, sinh năm 1985) và Vàng Thị Sen (sinh năm 1994 quê Lào Cai) tự xưng là nhân viên Công ty Quế Hải tại Quảng Tây, Trung Quốc tới vựa thanh long Bé Hai của chị Phạm Thị Hồng Gấm để khảo sát và thu mua thanh long. LiLiLin và Sen ở lại vựa để trực tiếp xem hàng, LiLongXinh chỉ đến kiểm tra kỹ thuật đóng gói và cách bảo quản. Sau khi quan sát kỹ lưỡng, LiLiLin và Sen đồng ý thu mua thanh long của vựa Bé Hai và tiến hành ký hợp đồng với số tiền cọc là 680 triệu đồng nhưng không giao tiền mặt cho chị Gấm mà hứa mang hợp đồng về để ông Trần - giám đốc công ty Quế Hải ký, sau đó chuyển tiền sau. Với âm mưu chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu, LiliLin và Sen đã dùng lời lẽ ngon ngọt để mang tất cả hợp đồng ký với chị Gấm đi, mà không để lại bất kỳ bản sao nào cho chị Gấm giữ.

Khi 6 chuyến hàng đầu tiên được giao dịch, chị Gấm chỉ được công ty Quế Hải thanh toán 340 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng và sau đó không được thanh toán thêm bất kỳ đồng nào.

Sổ hàng viết tay, hợp đồng vận chuyển đơn ngữ sơ sài và các thương lái Trung Quốc

Dù hợp đồng đầu tiên chưa thanh toán xong, nhưng phía công ty Quế Hải lại yêu cầu chị Gấm làm thêm 1 hợp đồng khác. Theo đó, mỗi chuyến hàng sẽ được thanh toán trước 170 triệu đồng, số tiền còn lại khoảng 100 triệu đồng sẽ được thanh toán đủ trong vòng 10 ngày và yêu cầu mỗi ngày vựa Bé Hai phải xuất 2 công hàng thanh long cho công ty Quế Hải. Theo ước tính của chủ vựa, mỗi chuyến hàng xuất đi có giá bán dao động từ 250 đến 300 triệu đồng tùy theo thời giá. Trước lợi nhuận khá hấp dẫn và lo sợ không được thanh toán số tiền nợ cũ, chủ vựa thanh long Bé Hai tiếp tục bán thanh long cho công ty Quế Hải với 2 chuyến hàng mỗi ngày và được thanh toán trước như hợp đồng ký kết.

Tung chiêu “đánh bài chuồn”

Sau 10 ngày liên tục xuất bán thêm 20 công hàng thanh long, vựa thanh long Bé Hai vẫn không nhận được số tiền còn lại phải thanh toán trong các chuyến hàng đầu tiên như hợp đồng đã ký.Tổng cộng vựa thanh long Bé Hai đã xuất bán cho công ty Quế Hải 26 chuyến hàng với tổng nợ chưa được thanh toán gần 2,8 tỷ đồng.

Sau khi lừa được chủ vựa Bé Hai một khoản tiền đáng kể, 2 thương lái LiLiLin và Sen tính kế “đánh bài chuồn”. Cả hai mượn xe của chị Gấm để về khách sạn tại thành phố Phan Thiết nhưng thực chất là trốn chạy về Trung Quốc. Gia đình chị Gấm đuổi theo ra cửa khẩu Lào Cai gặp Vàng Thị Sen và LiLiLin để hỏi về khoản nợ. Tuy nhiên, Sen và LiLiLin cho biết sẽ không thanh toán số nợ trên. Không đòi được khoản nợ nơi Sen và LiLiLin, gia đình chị Gấm đành ngậm ngùi trở về Bình Thuận và phát hiện LiLongXinh đang tạm trú tại một khách sạn ở Phan Thiết. Tại đây, gia đình chị Gấm bao vây LiLongXinh và yêu cầu đối tượng thanh toán dứt điểm khoản nợ gần 2,8 tỷ đồng.

Chủ vựa vây quanh LiLongXinh đòi trả tiền nợ tại Phan Thiết

Không trả tiền nếu “thông tin cho báo chí”

Trước sức ép của gia đình chị Gấm, Công ty Quế Hải hứa sẽ thanh toán khoản nợ với yêu cầu không được thông tin cho báo chí cũng như không được thông báo vụ việc đến các vựa thanh long khác trên địa bàn. Đồng thời, công ty Quế Hải cho luật sư Bùi Trung Kiên đến Phan Thiết để giải quyết vụ việc. Hai bên đã thương lượng số tiền công ty Quế Hải phải trả xuống chỉ còn 2 tỷ 580 triệu đồng, nhưng sau hơn 10 ngày chờ đợi, chủ vựa vẫn không nhận được tiền.

Tối ngày 5/1/2018, chị Gấm mời LiLongXinh về nhà chị ở nhằm tiết kiệm chi phí thuê khách sạn và được LiLongXinh đồng ý. Tuy nhiên, khi vừa tới  trước cửa nhà chị Gấm (tại thôn 4, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc), LiLongXinh đưa dao vào cổ để tự uy hiếp mình. Trước sức ép của LiLongXinh, gia đình chị Gấm đã cho xe taxi chở LiLongXinh đi, đồng thời nhờ sự hỗ trợ của lực lượng 113. Với sự can thiệp của lực lượng chức năng, LiLongXinh được mời về trụ sở làm việc và sau đó được cho về. Từ đó đến nay, gia đình chị Gấm không thể liên lạc với 3 thương lái của công ty Quế Hải, cơ hội thu hồi số nợ ngày càng mong manh.Tiền thì chưa lấy được, nhân công làm thanh long và nông dân kéo tới vựa đòi tiền ngày càng đông, chủ vựa càng thêm lao đao.

Nhân công, người bán thanh long kéo đến vựa chờ trả tiền

Vụ việc một lần nữa là lời cảnh báo đến các thương lái Việt đang hợp tác, giao dịch với thương lái Trung Quốc cần thận trọng hơn nữa trong việc ký kết hợp đồng mua bán để tránh tình trạng tương tự xảy ra. Thương lái Trung Quốc thường nắm phần “cán” khi giao dịch, họ luôn tự định đoạt giá cả lẫn phương thức thanh toán. Các chủ vựa hoàn toàn bị động và khi có “biến cố” xảy ra thì không có đủ cơ sở pháp lý để được pháp luật bảo vệ.

Trước tình trạng thương lái Trung Quốc ngày càng lấn sân, chiếm lĩnh thị trường mua bán, giao dịch trái thanh long trên địa bàn tỉnh, người dân rất dễ bị lừa khi thấy lợi nhuận cao mà bất chấp các rủi ro khi giao dịch với các thương lái Trung Quốc.

P.T



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ vựa Thanh long “khốn đốn” vì thương lái Trung Quốc