Theo dõi trên

Chuyển đổi cây mì trên đất thâm canh

25/04/2017, 08:28

BT- Từ 2 vụ mì trước, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân đã tăng hơn 100 ha mì trên đất rừng chuyển đổi, đưa loại cây thâm niên chiếm hầu hết trong số diện tích cây màu hàng năm ở địa phương, với 1.500 ha/2.150 ha. Trong khi vào cuối vụ thu hoạch này, nhiều người dân ở đây tỏ ra ngán ngẩm bởi nguồn thu quá thấp, công đầu tư, chăm sóc nhiều.

                
Nông dân Tân Nghĩa thu hoạch mì. Ảnh: N.Lân

Tinh bột mì giảm

Chúng tôi đến xã Sông Phan vào cuối tháng 3, khi cái nắng mùa khô hạn đang gay gắt. Đã cuối vụ thu hoạch, nhiều nương rẫy thân mì chất thành đống, khô gầy. Bắt chuyện với anh Trần Văn Bảy, thôn Tân Hòa, Sông Phan, được biết, đầu vụ thời tiết nắng hạn kéo dài, hom giống trồng xuống không lên nổi, nhiều người tất tả mua hom trong, ngoài tỉnh về trồng lại. Vào chính vụ, đất trồng mì lâu năm mắc bệnh đầu rồng, nấm lá…, lại thêm khoản chi phí tiền thuốc phun xịt. Bởi vậy năng suất mì giảm so vụ trước từ mỗi ha 25 tấn mì tươi (9 tấn mì khô phơi 3- 4 nắng), còn khoảng 20 tấn mì tươi (7 tấn mì khô). Cùng với đó, giá mì tươi cũng giảm liên tục, chỉ còn trên dưới 1.000 đồng/kg (giảm 250 - 300 đồng/kg). Trừ các khoản chi phí: phân, thuốc, còn lãi 10 triệu đồng/ha trong thời gian trồng 6 - 7 tháng, tính ra thua trồng các cây khác nhiều.

Hầu hết người trồng mì ở xã Sông Phan đều lấy công làm lời. Còn đối với dân địa phương khác có đất ở Sông Phan hoặc thuê đất ở đây trồng mì, chẳng còn lãi bao nhiêu, thậm chí lỗ. Ông Đào Xuân Hoàng, khu phố 1, thị trấn Tân Nghĩa sở hữu 2 ha đất trồng mì ở xã giáp ranh này không mấy vui, nói: “Tôi thu hoạch vừa xong cuối tháng 3 vừa qua, giá bán mì tươi hạ còn 1.000 đồng/kg, thu 40 triệu đồng, trừ tổng chi phí (hom giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuê công chăm sóc…) 30 triệu đồng, chỉ lãi 10 triệu đồng cho 2 ha”. Ông Hoàng cho biết thêm, ra tháng 4, giá mì tươi rớt nữa, còn dưới 1.000 đồng/kg; mà hai doanh nghiệp tiêu thụ chính là Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm, Nhà máy bột mì Thành Tâm không muốn thu mua nữa. Họ cho rằng, mì để thời gian lâu thu hoạch, chất lượng tinh bột giảm.

Một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm- ở khu vực giáp ranh Hàm Tân thu mua sản lượng mì khá lớn trên địa bàn huyện này cho biết: Giá mì nguyên liệu thời gian qua có chiều hướng hạ thấp do hàm lượng tinh bột trong mì nguyên liệu tại các địa phương không cao. Mùa vụ này, nhà máy mua mì tươi nguyên liệu với 3 mức giá tại nơi chế biến gồm: mì có hàm lượng tinh bột đạt 30% giá 1,5 triệu đồng/tấn; mì có hàm lượng tinh bột 25% giá 1,35 triệu đồng/tấn; hàm lượng tinh bột 20% giá 1,1 triệu đồng/tấn. Qua kết quả thu mua mì nguyên liệu, hầu hết mì của nông dân trong tỉnh Bình Thuận thu hoạch vụ vừa qua hàm lượng tinh bột chỉ đạt trên dưới 20% nên giá thu mua giảm.  

Xúc tiến chuyển đổi cây trồng thâm canh

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng cây mì ở xã Sông Phan, ông Nguyễn Quốc Hưng, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: 1.500 ha mì thâm niên đã 8 năm nay rồi, đất thoái hóa, năng suất, chất lượng giảm thấy rõ. Lãnh đạo xã đã định hướng cho người dân thâm canh mì chuyển đổi cây trồng sang thanh long, trồng keo mang tầm dài hơi hơn; năm nay đông đảo bà con đã có chuyển hướng sang trồng keo lá tràm, điều cao sản phù hợp vùng đất khô hạn địa phương. Bởi thế, diện tích trồng mì thâm niên ở xã mùa này sẽ giảm đi nhiều. Người dân ở xã khô hạn này đang mong đợi đập dâng Sông Phan hoàn chỉnh, đáp ứng nguồn nước sản xuất để việc chuyển đổi cây trồng thuận lợi hơn… 

 Với huyện Hàm Tân, vài năm gần đây, trong diện tích cây màu hàng năm, mì vẫn chiếm phần lớn, do khó khăn của huyện lâu nay là thiếu nước chuyển đổi cây trồng. Hiện nay, tỉnh đã đầu tư vốn hoàn chỉnh hai tuyến kênh Tây, kênh Đông công trình hồ thủy lợi Sông Dinh 3, đưa nguồn nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp cho nhiều xã khô hạn như Tân Hà, Tân Xuân, Sơn Mỹ, Tân Thắng, Thắng Hải... Chủ động được nguồn nước, người dân có điều kiện chuyển đổi khá nhiều diện tích mì thâm canh lâu nay. Những nông dân chúng tôi gặp như anh Hoàng Trọng Dương, Trần Văn Thành, Đào Xuân Hoàng… cho biết, họ đang chuẩn bị trồng keo lá tràm trên diện tích trồng mì thâm canh trước đây. Ở đây, nhiều bà con đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hàm Tân hỗ trợ vốn vay dài hạn cho nông dân trong chuyển đổi sản xuất cây trồng.

 Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi cây mì trên đất thâm canh