Theo dõi trên

Cơ hội và thách thức

14/02/2018, 11:06

BT- Không phải mới đây, cuộc chiến với thực phẩm bẩn đã diễn ra dai dẳng nhiều năm nay và vẫn chưa có hồi kết, bởi từ sản xuất đến tiêu thụ và cả thói quen của người tiêu dùng chưa tìm được tiếng nói chung. Kết quả người làm ăn gian dối sống khỏe, người đàng hoàng khó khăn và sức khỏe người dân giảm sút, gây lo lắng bức xúc trong xã hội. Cùng cả nước, những năm gần đây các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp của Bình Thuận, đã và đang xác định rõ trách nhiệm để hỗ trợ sản xuất sạch và chế tài kiểu làm ăn gian dối.

                
Trồng rau sạch ở Phú Long (Hàm Thuận Bắc).    Ảnh: Đ.Hòa

Nhân rộng mô hình

Thực hiện Quyết định 3297 của UBND tỉnh ban hành năm 2014, Bình Thuận phấn đấu đến năm 2020 có 50% nông, thủy sản chủ lực sản xuất theo chuỗi an toàn. Qua 4 năm triển khai, đến nay ngành nông nghiệp đã hỗ trợ 22 cơ sở sơ chế, chế biến nông thủy sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Hỗ trợ kết nối hoàn thiện 17 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (gồm 3 chuỗi quả thanh long, 2 chuỗi hạt điều và 12 chuỗi sản phẩm thủy sản); đã và đang xây dựng thêm 5 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (gồm 1 chuỗi rau, 1 chuỗi mủ trôm, 2 chuỗi nước mắm và 1 chuỗi sản phẩm thủy sản). Tổ chức cấp 12 giấy xác nhận cơ sở sản xuất an toàn, cho 1.614 cơ sở ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Đặc biệt năm 2017, triển khai 8 điểm bán hàng thực phẩm an toàn tại Phan Thiết, 1 điểm tại Đức Linh với 144 sản phẩm thủy sản và 20 sản phẩm nông sản.

Tuy có nhiều nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhưng so kế hoạch tỉnh đề ra đến năm 2020 thì vẫn còn khiêm tốn. Giải thích nguyên nhân, anh Lê Đức Minh – Chi cục trưởng quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết: Ở đây chưa nói khó khăn về kinh phí, con người cho công tác này, mà quan trọng hơn là sự quan tâm chưa đúng mức của các cấp chính quyền, việc phối hợp, quảng bá tiêu thụ thực phẩm an toàn và ý thức người sản xuất, nhất là thói quen của người tiêu dùng. Trước đây chưa có điểm bán hàng thực phẩm sạch, người tiêu dùng có thể trách làm sao là “nhà thông thái” được, nay đã có nhưng vẫn không mặn mà do thói quen mua ở chợ và giá phải rẻ, làm sao người sản xuất sạch an tâm bởi vốn đầu tư và công chăm sóc bỏ ra.

 Mở ra cơ hội mới

Trước yêu cầu cung ứng thực phẩm sạch cho người dân, đầu tháng 11/2017, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã về Bình Thuận khảo sát, ký kết với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông thủy sản cho các cơ sở sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn của Bình Thuận (giai đoạn 2017 – 2019). Phải nói đây vừa là cơ hội vừa thách thức. Cơ hội là đẩy mạnh tiêu thụ thực phẩm sạch vốn ì ạch lâu nay, đồng thời thách thức các cơ sở sản xuất phải bảo đảm sản xuất an toàn theo quy chuẩn và giá cả phải chăng.

                
Ảnh: Đình Hòa

Nói về cơ hội này, anh Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT chia sẻ: Sau khi ký kết, sở đã có văn bản giao nhiệm vụ đến các chi cục và các trung tâm trực thuộc tổ chức vào cuộc với quyết tâm cao nhất; đồng thời đề nghị Sở Công Thương phối hợp giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn trong tỉnh để tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh. Mặt khác, sở đã gởi kế hoạch phối hợp tiêu thụ thực phẩm an toàn giữa TP. Hồ Chí Minh và Sở Nông nghiệp & PTNT, đến các cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi trong toàn tỉnh để chủ động kết nối, phối hợp tiêu thụ.

Với vai trò “đầu mối” trong thực hiện ký kết kế hoạch cung ứng thực phẩm an toàn cho TP. Hồ Chí Minh, Chi cục trưởng quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Lê Đức Minh cho biết: Qua ký kết, theo nhiệm vụ được giao, chi cục đã triển khai ngay lớp tập huấn phổ biến kiến thức quy trình sản xuất theo chuỗi an toàn thực phẩm cho 95 người đại diện các cơ sở sản xuất; hướng dẫn Công ty cổ phần nước mắm Phan Thiết các thủ tục giới thiệu sản phẩm an toàn đến Ban quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh để mở rộng tiêu thụ, và hiện nay chi cục đang đẩy mạnh phối hợp các địa phương nhân rộng mô hình sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi. Tuy vậy để nhân rộng mô hình hiệu quả, phải xác định rõ việc quản lý, sản xuất thực phẩm an toàn là trách nhiệm của sự phối hợp  nhiều ngành, nhiều cấp. Trước mắt, khâu giới thiệu, tiêu thụ thực phẩm an toàn phải được tiến hành chính thống, bài bản. Bởi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn không chỉ người dân TP. Hồ Chí Minh mà ngay cả người dân Bình Thuận. Ngành công thương và chính quyền địa phương sớm quan tâm chỉ đạo các ban quản lý chợ mở sạp, quầy bán hàng thực phẩm an toàn, tiến tới xây dựng  chợ thực phẩm an toàn. Về phía người sản xuất theo chuỗi an toàn thực phẩm phải ứng dụng khoa học công nghệ, để sản phẩm vừa an toàn vừa giá cả phù hợp.

Phát triển bền vững là nhìn ra sự kết nối lẫn nhau, nhìn ra cái riêng trong cái chung và quan tâm đến cả những vấn đề cứ tưởng không phải của mình. Sản xuất sạch và ăn uống an toàn là minh chứng cho điều đó.

Phương Đại



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội và thách thức