Theo dõi trên

Cuộc “so găng” thị phần bán lẻ

23/08/2019, 09:14

 BT- Dẫu số lượng khách hàng tại các tiệm tạp hóa hiện đang giảm nhiều, không có nghĩa tiệm tạp hóa sẽ có nguy cơ phải đóng cửa hoặc không còn tồn tại nữa. Đó là sự cạnh tranh giữa chuỗi cửa hàng hiện đại, siêu thị mini và tiệm tạp hóa.

 Ngày càng nhiều

Khoảng 3 năm trước, tiệm (cửa hàng) tạp hóa không nhiều. Bây giờ, người mua chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là đã thấy tiệm tạp hóa, cửa hàng, siêu thị mini, người tiêu dùng có thể dừng xe bất cứ đoạn đường nào cũng có tiệm bán và thỏa sức lựa chọn nơi mua, sản phẩm cần dùng. Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Hải, chủ tiệm tạp hóa trên đường Lê Thị Hồng Gấm.

Ghi nhận, tại Phan Thiết, tiệm tạp hóa, cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm hoặc siêu thị mini, thời gian gần đây, hình thành nhiều hơn bao giờ hết trên khắp các đường phố lớn nhỏ, với tốc độ nhanh và số lượng nhiều. Ước tính, hàng ngàn điểm bán hàng tạp hóa lớn, nhỏ phủ rộng mạng lưới thị trường trong tỉnh.

Chẳng hạn, 3 đoạn đường gồm Hải Thượng Lãn Ông và Lê Thị Hồng Gấm tiếp giáp Võ Văn Tần (Phan Thiết), trong vòng bán kính khoảng vài trăm mét đường, mà có hơn 20 điểm bán hàng tạp hóa với đa dạng chủng loại hàng hóa. Số cửa hàng hiện đại, tiện ích chiếm 1/3 tổng số tiệm tạp hóa truyền thống. So với tiệm tạp hóa truyền thống, chuỗi cửa hàng tiện ích giống như một siêu thị thu nhỏ được trưng bày khá bắt mắt trong không gian thoáng mát. Xen lẫn những điểm bán này, tại các trục đường lớn gần trung tâm Phan Thiết, là một số cửa hàng chuyên bán sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan, Nhật, Hàn… được thiết kế mẫu mã, bao bì bắt mắt, đang thu hút không ít người tiêu dùng.

 “Miếng bánh chia nhỏ”

Chị Nguyễn Thị Lương, chủ tiệm tạp hóa trên đường Võ Văn Tần chia sẻ: “Không riêng gì tôi, nhiều chủ tiệm tạp hóa khác cũng than thở, càng ngày buôn bán càng ít khách, giảm hơn 50% lượng khách so với các năm trước. Bởi người bán nhiều hơn; đặc biệt, cạnh tranh với cửa hàng hiện đại và siêu thị mini”.

                
Nhiều tiệm tạp hóa, siêu thị ở Phan Thiết    trưng bày hàng hóa khá bắt mắt. Ảnh: Ngọc Lân

Bà Hải giải thích, người bán cửa hàng tạp hóa truyền thống thường bán giá thấp hơn 1.000 - 2.000 đồng/mỗi sản phẩm so với giá do nhà sản xuất in sẵn trên bao bì, có một số sản phẩm phải bán đúng giá chứ không thể thấp hơn. Một số hàng khuyến mãi thêm sản phẩm (thau, ly, rổ…) được tặng cho khác hàng thân thiết vào dịp cuối năm. Trong khi đó, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini thì luôn có chương trình khuyến mãi ở nhiều sản phẩm, giảm giá 20 - 30%, kèm theo các sản phẩm khác và tích lũy điểm cho khách hàng thân thiết (giảm giá mua sản phẩm khi tích lũy nhiều điểm). Thậm chí, một số sản phẩm giảm hơn 30%. Những nơi ấy thu hút được khách hàng, thì cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống sẽ giảm lại, như “miếng bánh chia nhỏ” cho nhiều người.

Theo kết quả khảo sát năm 2018 trên toàn quốc, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại tiệm tạp hóa nhỏ lẻ giảm còn 9% so với năm 2017 (17%). Từ khảo sát và thông tin thực tế tại tỉnh được đề cập trên cho thấy rằng, xu hướng người tiêu dùng đang có chiều hướng “nghiêng” sang mua sắm tại chuỗi cửa hàng hiện đại. Hay nói cách khác, tiệm tạp hóa truyền thống đang có sự “so găng” với chuỗi cửa hàng hiện đại, siêu thị mini.

 Tự cứu lấy mình

Dẫu số lượng khách hàng giảm mạnh bởi sự lấn át từ nhiều cửa hàng, không có nghĩa tiệm tạp hóa sẽ phải đóng cửa hoặc không còn tồn tại nữa. Các tiệm tạp hóa hiện vẫn giữ được lượng khách hàng cố định cho riêng mình. Chẳng hạn, người lao động, công nhân đi làm cuối tháng mới nhận lương, tiệm tạp hóa truyền thống giúp những người này mang sản phẩm về sử dụng trước và trả tiền sau khi nhận được lương. Mặt khác, tiệm tạp hóa truyền thống có thể bán lẻ cho người tiêu dùng 1 - 2 quả trứng, 0,5 - 1 kg gạo, 10.000 đồng tiêu, đường và bột ngọt… Trong khi, cửa hàng hiện đại không bán sản phẩm chia lẻ như tiệm tạp hóa truyền thống; phần lớn sản phẩm đóng gói 0,5 - 5 kg trở lên, vỉ trứng 5 - 10 quả… Nhiều chủ tiệm tạp hóa khẳng định như thế.

Theo bà Hải, trước tình hình cạnh tranh, mỗi tiệm tạp hóa truyền thống phải “tự cứu lấy mình”. Thay thế cho kiểu trưng bày sản phẩm lộn xộn, thiếu ánh sáng, chủ tiệm nên sửa sang lại nơi bán như ốp gạch sáng bóng vào tường, làm kệ nhiều tầng để hàng hóa ngăn nắp phân theo nhóm, niêm yết giá trên mỗi sản phẩm… tạo không gian buôn bán từ ngoài nhìn vào có sự thông thoáng. Ngoài lượng khách cố định, tiệm tạp hóa khang trang, ngăn nắp, sẽ thu hút thêm lượng khách đến lựa chọn sản phẩm và gia tăng cơ hội tăng doanh số…

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc “so găng” thị phần bán lẻ