Theo dõi trên

Đánh bắt ảm đạm

20/02/2020, 09:56

BT- Sang giữa tháng 2/2020 gió bấc vẫn thổi, nước biển cứ chảy xiết, trong khi đó lao động thì tiếp tục điệp khúc khan hiếm khiến nhiều tàu đánh bắt xa bờ ngại ra khơi. Chỉ có một số tàu thuyền nhỏ, thuyền thúng nghề lưới rê khai thác cá nổi ven bờ, câu mực đi đánh bắt hải sản trong ngày. Vì cầu nhiều hơn cung nên giá hải sản tăng cao tại các chợ. Không thể nằm bờ mãi, các chủ tàu tính đến chuyện chia tỷ lệ phần trăm theo hướng có lợi hơn cho người lao động trên tàu để thu hút lao động nhưng tình hình cũng không mấy khả quan, bởi mỗi chuyến biển, thu không đủ bù chi. Theo đánh giá của ngành chức năng, so với dịp Tết Nguyên đán 2019, tàu thuyền khai thác hải sản năm nay nghỉ tết sớm hơn, xuất hành muộn hơn và ít phương tiện tham gia đánh bắt trên biển trong dịp tết.

Bằng chứng thời điểm này đang mùa khai thác cá cơm nhưng các chủ tàu hành nghề pha xúc, vây cá cơm vẫn đang nằm nhà trông ngóng. Theo một chủ tàu có hơn 10 năm theo nghề đánh bắt cá cơm ở Phan Thiết, chưa có năm nào biển giã lại khó khăn như thời điểm này. Hiện tại, 3 chiếc tàu hành nghề đánh bắt cá cơm của gia đình đã nằm nhà gần 4 tháng, chưa thể ra khơi. Trong khi mọi năm, sau tết 3 tàu pha xúc, vây cá cơm này xuất hành thu về hàng chục triệu đồng sau mỗi chuyến đánh bắt. Theo lý giải của những chủ tàu, ngoài vấn đề thời tiết thay đổi, tình trạng tàu giã cào bay đánh bắt bằng lưới nhỏ và nghề lưới mùng dùng thuốc nổ hoạt động thường xuyên đã làm cho nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, trong đó có cá cơm. Việc khan hiếm nguồn cá cơm kéo theo các cơ sở sản xuất nước mắm cũng đói nguyên liệu chế biến và nghề hấp cá cơm khô cũng trong tình trạng hoạt động cầm chừng.

Hậu quả của hiện tại không phải bây giờ mới thấy. Nhiều năm trước, lo ngại tình trạng ngư trường cạn kiệt, trữ lượng thủy sản giảm đáng kể do nhiều ngư dân khai thác tận diệt trong thời gian dài, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, nhằm khôi phục nguồn lợi thủy sản của tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành văn bản cấm tất cả hoạt động khai thác các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và các loại ốc trên toàn vùng biển Bình Thuận trong thời gian từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/7 hàng năm. Đây là thời gian sinh sản của các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, nếu khai thác, nguồn lợi hải sản này sẽ cạn kiệt. Song song đó, từ ngày 1/3 đến ngày 30/9 hàng năm, tỉnh cũng cấm nghề bẫy bắt tôm hùm con tại vùng biển trong toàn tỉnh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn triển khai 2 dự án nhằm phục hồi, bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ. Đó là dự án xây dựng mô hình quản lý cộng đồng về bảo vệ, tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi điệp quạt tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể, huyện Tuy Phong; dự án “Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông, góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam”. Cả 2 dự án đều đã mang lại những hiệu quả ban đầu, có nhiều triển vọng nhưng có lẽ bao nhiêu đó vẫn chỉ là điểm, là mô hình, trong khi ngư dân rất đông và thời gian này đã ý thức được vì sao nguồn lợi hải sản không còn dồi dào.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh bắt ảm đạm