Theo dõi trên

Đâu là giải pháp tiêu thụ thanh long trong cơn “đại dịch”?

04/02/2020, 15:16

BTO- Hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung và trái thanh long nói riêng sang thị trường Trung Quốc hiện đang hết sức khó khăn, bởi ảnh hưởng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra.

                
      
      Thanh long Bình Thuận cần được tăng cường xúc tiến quảng bá, mở rộng    tiêu thụ ở thị trường trong lẫn ngoài nước.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khihàng loạt cửa khẩu của các tỉnh biên giới phía Bắc đã tạm dừng các giao dịch trao đổi hàng hóa cư dân biên giới từ ngày 31/1 - 8/2/2020 (theo Công điện từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh - Trung Quốc trước sự gia tăng của dịch bệnh).

Trong ngày hôm nay (4/2), Sở Công Thương Bình Thuận cho biết thời điểm này có khoảng 175 xe container loại 20 tấn chở thanh long xuất sang Trung Quốc phải nằm chờ tại bãi xe cửa khẩu Tân Thanh. Trong khi đó, tại cửa khẩu Kim Thành cũng có khoảng 130 xe container với 2.500 tấn thanh long và tại cửa khẩu Hữu Nghị là 32 xe container với khoảng 600 tấn thanh long chưa được thông quan...

Theo số liệu cung cấp của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, hiện nay cũng có khoảng 150 xe container với 3.000 tấn thanh long của các doanh nghiệp tỉnh xuất sang Trung Quốc đang chờ thông quan… Còn tại địa phương, dự ước sẽ có thêm từ 85.000 - 100.000 tấn thanh long trái vụ tiếp tục được thu hoạch từ nay đến cuối tháng 2/2020. Trong đó tập trung nhiều nhất ở Hàm Thuận Nam với khoảng 50.000 tấn, kế đến Hàm Thuận Bắc 20.000 tấn, Bắc Bình 5.000 tấn và các huyện - thị xã - thành phốcòn lại là khoảng 10.000 tấn.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của “đại dịch”, Bình Thuận đang tìm kiếm giải pháp tiêu thụ thanh long .Trước tiên, theoSở Công Thương cần đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tại thị trường nội địa, riêng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có thể thông qua 3 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, 137 chợ và 32 cửa hàng tiện lợi (Coopfood, Bách hóa xanh, Vinmart)...

Tiếp đó, việc vận động doanh nghiệp dự trữ hàng đông lạnh cũng được tính đến bởi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản gửi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam về vấn đề này. Theo đó đề nghị thông báo đến các doanh nghiệp logictics hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ưu tiên cho thuê kho lạnh với mức giá ưu đãi tại thời điểm hiện nay... Song song đó khuyến khích tăng cường sản lượng chế biến các sản phẩm từ thanh long, qua đó góp phần giảm áp lực tiêu thụ sản lượng trái tươi.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện Bình Thuận có 170 doanh nghiệp và cơ sở thu mua với khoảng 120 kho sức chứa khoảng 7.000 tấn, 3 cơ sở sản xuất thanh long sấy dẻo - sấy khô, 3 cơ sở sản xuất rượu thanh long và 2 cơ sở sản xuất nước ép từ thanh long. Dù vậy tổng công suất của tất cả nhà máy, cơ sở sản xuất hiện nay tiêu thụ thanh long tươi còn thấp và nếu được hỗ trợ mở rộng nhà máy, mua bồn chứa thì sẽ tăng công suất tiêu thụ lên khoảng 700 tấn trái tươi/ngày…

Trong thời điểm này, các địa phương cũng cần khuyến cáo nông dân thực hiện sản xuất thanh long phù hợp với tình hình như: chăm sóc, tỉa bớt để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả và hạn chế tối đa chi phí đầu tư phân bón, kéo dài thời gian thu hoạch. Đối với vườn chưa có trái thì hạn chế hoặc không chong điện, tiến hành chăm sóc tốt để cây có thời gian phục hồi sau thời gian dài khai thác. Đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin liên quan tình hình tiêu thụ đối với thị trường Trung Quốc để có phương án, kế hoạch sản xuất hợp lý trong thời gian tới. Riêng với doanh nghiệp cũng tăng cường liên kết với nhau, nhằm tạo ra các chuỗi giá trị quy mô lớn đủ sức cạnh tranh và tiêu thụ ổn định.

Bên cạnh đó quan tâm tuyên truyền cho xã viên các hợp tác xã, hộ nông dân chú trọng sản xuất thanh long theo các tiêu chuẩn như GlobalGAP, VietGAP nhằm đáp ứng điều kiện cho nhiều thị trường khác nhau ngoài Trung Quốc... Đặc biệt sẽ phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang thị trường khác hiện có ngoài thị trường Trung Quốc. Bởi hiện nay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các nước hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường khác (ngoài thị trường Trung Quốc)...

    
  

    Tăng cường tiêu thụ trong nước

      Liên quan vấn đề này, địa phương cũng kiến nghị các bộ ngành Trung ương   chỉ đạo các tập đoàn kinh tế lớn, đơn vị sản xuất - chế biến quy mô có   giải pháp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nội địa. Như đưa vào các chợ đầu   mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… trên toàn quốc   và đưa thanh long vào tiêu thụ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở   các tỉnh, thành phố lớn.

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đâu là giải pháp tiêu thụ thanh long trong cơn “đại dịch”?