Theo dõi trên

Đầu năm, lo bảo vệ rừng

10/02/2020, 08:43

BT- Diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đa phần thuộc loại rừng khộp, thường rụng lá vào mùa khô, địa thế hiểm trở và bị chia cắt mạnh nên gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ… 

                
Tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Đ.Hòa

Thời tiết hanh khô, cẩn trọng cháy rừng

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong mùa khô năm 2020 tiếp tục xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, phức tạp, khó lường. Riêng tại Bình Thuận, tình hình hạn hán, khô hanh, nắng nóng diễn ra trên diện rộng, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng rất cao. Diễn biến thời tiết khó lường này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người dân sống ven rừng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Đây cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến nạn phá, cháy rừng. Qua đó, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ và phòng, chữa cháy rừng của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Nhất là vùng rừng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng và các khu vực rừng, đất rừng gần các khu vực canh tác của người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đa phần thuộc loại rừng khộp, địa thế hiểm trở nên gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ. Bên cạnh là gây khó khăn trong việc di chuyển lực lượng để tiếp cận đám cháy, tổ chức chữa cháy rừng. Diện tích rừng trồng và rừng trồng chưa thành rừng nằm phân bố trên các lâm phận có khí hậu khô, nóng gồm các loài cây chủ yếu là keo, phi lao, bạch đàn… Phần lớn những diện tích rừng trồng nằm tiếp giáp với các khu vực dân cư và đất canh tác nông nghiệp, nên những diện tích rừng này dễ bị xâm hại và có nguy cơ cháy rừng cao.  

Chống… xâm phạm rừng

Theo ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa qua tuy số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh được phát hiện và xử lý đến cuối năm 2019 có giảm so với cùng kỳ năm 2018 (357 vụ/431 vụ) nhưng tình hình phá rừng, khai thác gỗ trái phép, chiếm đất rừng trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong đó, phần lớn tập trung ở các khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng và một số khu vực thuộc lâm phận Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, lâm phận của Banquản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An, La Ngà, Khu Lê Hồng Phong, Xí nghiệp lâm nghiệp Hàm Thuận Nam…

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bình Thuận xác định việc xây dựng, thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2020, đặc biệt thời điểm đầu năm hết sức cần thiết, cấp bách. Nhằm kiểm soát chặt chẽ các nguyên nhân gây cháy rừng; chuẩn bị sẵn sàng phương án chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ ở các khu vực trọng điểm. Đặc biệt, tập trung tối đa lực lượng để bảo vệ diện tích rừng hiện có, với phương châm “phòng là chính, bảo vệ và chữa cháy rừng phải khẩn trương, kịp thời và triệt để”, nhất là ở các khu rừng có trữ lượng và giá trị kinh tế cao nằm giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đó ngăn chặn hiệu quả tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, không để xảy ra các điểm nóng. Phấn đấu kiềm chế và tiếp tục kéo giảm số vụ vi phạm về tính chất lẫn mức độ vi phạm thiệt hại do cháy rừng, phá rừng và không để xảy ra tình hình chống người thi hành công vụ.

    
      Theo kết quả kiểm kê rừng mới đây nhất, Bình Thuận có tổng diện tích   rừng và đất lâm nghiệp tại thời điểm kiểm kê là 365.689,2 ha. Trong đó   diện tích đất có rừng là 310.841,3 ha (gồm 286.998,8 ha rừng tự nhiên và   23.842,5 ha rừng trồng). Diện tích đất chưa có rừng là 54.847,9 ha.

KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu năm, lo bảo vệ rừng