Theo dõi trên

Đầu tư khai thác tiềm năng Bình Thuận: Tạo thuận lợi “hút” nguồn vốn ngoài ngân sách

14/11/2019, 08:38 - Lượt đọc: 7

BT - Thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, nằm kề khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam nên Bình Thuận được đánh giá là tỉnh có vị trí thuận lợi lẫn điều kiện để vươn lên. Bên cạnh đó là những tiềm năng, lợi thế so sánh về lĩnh vực du lịch biển, sản xuất năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao… đã giúp cho địa phương tạo ra “sức hút” đối với nhà đầu tư khắp nơi.

Hướng tới khai thác hiệu quả và bền vững, Bình Thuận sẵn sàng đón nhận và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp có tiềm lực, giàu kinh nghiệm và tâm huyết. Nguồn vốn này cũng được địa phương ghi nhận đóng góp tích cực đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hợp tác đối ngoại, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh... Đặc biệt thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư gần đây (2 năm tổ chức 1 lần), không những ngay tại sự kiện này mà sau đó cũng có nhiều dự án tiếp tục đăng ký triển khai tại địa phương. Như kể từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2017 đến trước Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2019, UBND tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 264 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 53.000 tỷ đồng, đồng thời các nhà đầu tư nộp vào ngân sách nhà nước tỉnh gần 760 tỷ đồng.

Ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019.

Được chuẩn bị chu đáo và diễn ra thành công vào cuối tháng 9 vừa qua, Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2019 tổ chức tại Bình Thuận đã được UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư và ký bản thỏa thuận ghi nhớ đầu tư cho 24 dự án, với tổng vốn đăng ký 17 tỷ USD và 69.930 tỷ đồng. Trong đó trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án đầu tư (có tổng vốn 23.367 tỷ đồng), tiến hành ký bản thỏa thuận ghi nhớ đầu tư cho 13 dự án (với tổng vốn 17 tỷ USD và 46.563 tỷ đồng)... Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần này còn ghi nhận một số dự án mong muốn triển khai ở dải đất cực Nam Trung bộ với nguồn vốn huy động ngoài ngân sách rất lớn, điển hình như dự án Thăng Long Wind (điện gió ngoài khơi Mũi Kê Gà) có tổng vốn lên đến 12 tỷ USD. Hay như dự án Khí điện LNG tại Bình Thuận với tổng vốn 5 tỷ USD, dự án Khu công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Becamex VSIP khoảng 18.840 tỷ đồng, dự án Khu đô thị du lịch biển TMS - Mũi Né là 14.742 tỷ đồng...

Tính riêng 10 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có 110 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư, nâng tổng số dự án được cấp thẩm quyền chấp thuận đầu tư còn hiệu lực lên gần 1.540 dự án, có tổng vốn đăng ký hàng trăm ngàn tỷ đồng... Cùng thời gian, địa phương và các sở, ngành chức năng cũng quan tâm phối hợp rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy tiến độ triển khai những dự án có nguồn vốn ngoài ngân sách. Qua đó có thêm 19 dự án trên địa bàn Bình Thuận được khởi công xây dựng (cùng kỳ năm trước có 7 dự án) và thêm 33 dự án đi vào hoạt động kinh doanh (cùng thời gian này của năm trước chỉ có 3 dự án).

Sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2019, mới đây lãnh đạo UBND tỉnh đã làm việc với Tổ hợp chủ đầu tư EDF - Sojitz - Kyushu - Pacific về dự án Nhà máy nhiệt điện tua bin khí hỗn hợp Sơn Mỹ 1 và dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ 1. Theo đó có ý kiến kết luận: Trên cơ sở chủ trương của Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổ hợp chủ đầu tư EDF - Sojitz - Kyushu - Pacific thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện tua bin khí hỗn hợp Sơn Mỹ 1, UBND tỉnh Bình Thuận ủng hộ và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Tổ hợp nhà đầu tư triển khai dự án nêu trên cũng như hạ tầng Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ 1. Đồng thời yêu cầu Tổ hợp nhà đầu tư này liên hệ chặt chẽ với các sở ngành, địa phương để hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án và khẩn trương giải quyết trình tự thủ tục có liên quan thuộc thẩm quyền của tỉnh, đáp ứng tiến độ theo quy định…

Có thể nói, tiềm năng trên những lĩnh vực lợi thế của Bình Thuận vẫn còn nhiều và đó sẽ là “sức hút” tiếp tục gọi mời các nhà đầu tư chiến lược quyết tâm đưa dự án quy mô triển khai trên địa bàn tỉnh… Về phía địa phương, mục tiêu xây dựng Bình Thuận trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn trong thời gian tới luôn đi đôi với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm xúc tiến dự án và sẽ luôn đồng hành để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư tại Bình Thuận.

Quốc Tín



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư khai thác tiềm năng Bình Thuận: Tạo thuận lợi “hút” nguồn vốn ngoài ngân sách