Theo dõi trên

Đề án Tái canh cây cao su theo Chương trình 327: Phát huy lợi thế về đất đai, lao động

25/03/2020, 09:42

BT- Dự án trồng và chăm sóc cây cao su được triển khai vào năm 1997 tại 2 xã Đông Giang và La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc). Thời điểm ấy, dự án không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ổn định định canh, định cư mà còn từng bước chuyển dần từ phương thức sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Ngoài ra, dự án còn hướng dẫn đồng bào dân tộc biết kỹ thuật trồng và chăm sóc, bảo vệ, quản lý cây cao su theo mô hình kinh tế hộ gia đình và hợp tác lao động. Đến nay, qua hơn 20 năm một phần diện tích cao su trồng năm 1997 và 1998 vào giai đoạn cuối của chu kỳ khai thác mủ, nếu tiếp tục khai thác sẽ không có hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, Đề án “Tái canh cây cao su trồng theo Chương trình 327 trên địa bàn 2 xã Đông Giang, La Dạ” ra đời.

                
      
         Đề án tái canh cây cao su hứa hẹn mang đến cuộc sống    ổn định hơn cho bà con vùng ĐBDTTS. Ảnh: N.Luân

Theo đó, thời gian tái canh bắt đầu từ năm 2020 và kết thúc vào năm 2025; việc tái canh phải đảm bảo theo từng lô, khoảnh, không làm manh mún theo từng hộ. Mục tiêu cụ thể trong năm 2020 sẽ thực hiện tái canh 250 ha cao su góp phần nâng diện tích cao su toàn tỉnh đạt 45.850 ha vào năm 2020. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động của trên 330 hộ ĐBDTTS 2 xã Đông Giang và La Dạ. Đồng thời, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân đặc biệt là vùng ĐBDTTS; phát triển mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tỉnh.

Để đề án triển khai hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu các hộ dân tham gia trên tinh thần tự nguyện. Trên cơ sở diện tích cao su hiện có của từng hộ để tái canh lại diện tích trồng cao su có hiệu quả, gắn với việc có kế hoạch về thu mua sản phẩm. Đối với chính quyền các cấp và các ban, ngành liên quan phải xem nhiệm vụ tái canh cây cao su là nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó, góp phần giúp ĐBDTTS phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao mức sống, ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở vùng cao. Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt đề án. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ miền núi tổ chức bán cây cao su khai thác; tổ chức cung ứng giống cây cao su, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho các hộ đồng bào. Vận động ĐBDTTS 2 xã Đông Giang và La Dạ thực hiện đề án, quản lý, chăm sóc, khai thác tốt diện tích cao su được tái canh.

Như vậy, ngoài đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo ra việc làm, ổn định đời sống bà con dân tộc thiểu số 2 xã Đông Giang và La Dạ, đề án còn phát huy lợi thế của tỉnh về đất đai, lao động phù hợp với định hướng phát triển của địa phương trong thời gian đến. Từ đó, góp phần cùng phát triển khu vực rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi, các hồ chứa nước Saluon, Đatrian, Hàm Thuận - Đa Mi... và các vùng lân cận hình thành tuyến du lịch sinh thái rừng, hồ, thác, vườn cây công nghiệp.

Kim Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề án Tái canh cây cao su theo Chương trình 327: Phát huy lợi thế về đất đai, lao động