Theo dõi trên

Để kinh tế biển thành ngành mũi nhọn: Cần phát triển toàn diện

24/05/2017, 08:34

BT- Với ngư trường rộng lớn khoảng 52.000 km2, có đảo Phú Quý ngoài khơi cách thành phố Phan Thiết 120 km, Bình Thuận còn có tiềm năng rất lớn về khai thác hải sản. Đây là một trong những ngư trường lớn của cả nước, có nguồn lợi hải sản phong phú. Vùng biển ven bờ của tỉnh còn là nơi sinh sống của một số loài thân mềm hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao như điệp quạt, sò lông, bàn mai, nghêu lụa, dòm nâu… là những loài đặc thù hầu như không gặp ở các vùng biển ven bờ khác của cả nước với sản lượng khai thác 20.000 - 40.000 tấn mỗi năm. Diện tích các bãi bồi, bãi triều ven sông và cận bờ biển có thể nuôi tôm bán thâm canh. Đảo Phú Quý có thể nuôi cá lồng bè và các loại hải sản khác...

                       
Ảnh: Đ.H

Phát huy thế mạnh bờ biển dài và ngư trường rộng lớn, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư khai thác hiệu quả kinh tế biển và đã có bước chuyển biến đáng kể. Khai thác hải sản xa bờ được xem đây là một ngành mũi nhọn. Đội tàu công suất lớn (từ 90 CV trở lên) tiếp tục gia tăng về số lượng, công suất, trở thành đội tàu chủ lực của tỉnh trên vùng biển khơi. Có đóng góp quan trọng về sản lượng và giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hàng chục ngàn lao động biển. Toàn tỉnh hiện có 2.895 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên, tăng 1.190 chiếc so với năm 2010, tỷ trọng nhóm tàu công suất lớn từ 27,7% năm 2012 tăng lên 40,8 năm 2016 trong đội tàu khai thác toàn tỉnh. Hàng năm số lượng tàu thuyền được trang bị máy thông tin vô tuyến tầm xa, định vị GPS, máy dò cá ngang, tời cơ khí, tời thủy lực, hầm bảo quản cách nhiệt bằng vật liệu mới... tăng lên. Cơ cấu ngành nghề có bước chuyển đổi tích cực, đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng và một bộ phận lao động nòng cốt khai thác xa bờ được trang bị kiến thức về pháp luật hàng hải và kiến thức khuyến ngư trong vận hành sử dụng các thiết bị tàu cá, nghiệp vụ đi biển, tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm.

Tỉnh đẩy mạnh phát triển tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần, tàu thu mua chế biến hải sản trên biển. Toàn tỉnh hiện có 7.100 tàu cá/ tổng công suất 916.558 CV, công suất đạt 129,1CV/ chiếc, trong đó có 168 tàu dịch vụ thu mua hải sản trên biển chủ yếu hoạt động theo mùa vụ từ tháng 3 - tháng 9 hàng năm tại ngư trường của tỉnh và các tỉnh phía Nam. Sản lượng thu mua khoảng 50 tấn nguyên liệu/tàu/năm, trong đó có nhiều loại hải sản có giá trị cao phục vụ xuất khẩu. Nhờ dịch vụ thu mua trực tiếp trên biển mà chu trình sản xuất được liên tục, giảm được nhiều chi phí trung gian và chất lượng sản phẩm sau khai thác được đảm bảo hơn, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, tạo điều kiện để ngư dân bám biển dài ngày. Bình Thuận đi đầu cả nước trong phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần thu mua hải sản trên biển với hơn 100 tàu công suất lớn, chuyên thu mua hải sản tại vùng biển Trường Sa, Nhà giàn DK1… Đến nay, toàn tỉnh có 5 nghiệp đoàn nghề cá tại Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa và huyện đảo Phú Quý với 72 tàu đánh bắt xa bờ và sự tham gia của 746 đoàn viên nghiệp đoàn. Đây là những mô hình hợp tác giúp đỡ nhau trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản và hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố trên biển, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển.

Nhờ đầu tư tàu công suất lớn bám biển dài ngày, hàng năm ngư dân tỉnh khai thác khoảng 190.000 tấn hải sản các loại. Cùng với khai thác, nghề nuôi trồng thủy sản, sản xuất, tiêu thụ tôm giống cũng phát triển mạnh và sản lượng thủy sản nuôi trồng mỗi năm ước đạt gần 15.000 tấn; sản xuất tiêu thụ hơn 22 tỷ con tôm giống. Để khai thác hiệu quả bền vững kinh tế biển trong thời gian tới, tỉnh đã đề ra các chính sách, biện pháp để huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển đảo.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để kinh tế biển thành ngành mũi nhọn: Cần phát triển toàn diện