Theo dõi trên

Đến thời điểm quyết định “lớn lên”

19/04/2019, 09:54 - Lượt đọc: 24

 BT- Đến thời điểm này, khi thông tin rõ ràng về đường cao tốc sẽ thi công vào năm sau, sân bay sẽ khởi công vào cuối năm nay thì nhà nhà ở Bình Thuận đều cảm nhận có rất nhiều khách đã và đang gỏ cửa.

                
Tuyến đường Hòa Thắng - Thiện Nghiệp. Ảnh:    Ngọc Lân

 Như nhà đông khách

Những ngày này, chủ đầu tư Cụm công nghiệp Nam Hà (Đông Hà - Đức Linh) đang chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để đến 30/5 này sẽ ký kết chính thức với nhà đầu tư thứ cấp. Chỉ có một nhà đầu tư là Tập đoàn Phong Thái của Đài Loan chuyên gia công giày Nike nổi tiếng của Mỹ, hoạt động lấp đầy trên hơn 70 ha của Cụm công nghiệp Nam Hà. Tập đoàn này có đến 7 công ty tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nên với diện tích trên không là quá lớn về quy mô hoạt động. Chỉ trong vòng  1 năm, vừa thực hiện các thủ tục pháp lý về đầu tư cụm công nghiệp rồi tiến hành xây dựng cơ bản cũng như vận hành các công trình hạ tầng, vừa kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp, đến lúc này đã xác định được đối tác rõ ràng. Có thể nói, với thời gian thu hút đầu tư nhanh như trên, cụm công nghiệp này trở thành điểm sáng, nhất là trong bối cảnh nhiều KCN lớn tại tỉnh được đánh giá đang trong tình trạng rất chậm lấp đầy. Còn nhớ, trong một cuộc họp về kêu gọi đầu tư tại tỉnh tổ chức vào năm ngoái, các nhà đầu tư đã quan tâm đến 2 cụm công nghiệp Nam Hà, Đông Hà ở xã Đông Hà của huyện Đức Linh này ở trạng thái gần như là “chen lấn” khiến tỉnh giới thiệu, gợi ý về các khu công nghiệp khác như KCN Tân Đức (Hàm Tân), KCN Hàm Kiệm 1, Hàm Kiệm 2 (Hàm Thuận Nam). Tuy nhiên, sau một hồi tính toán, họ đều lắc đầu. Chung quy ở chỗ, 2 cụm công nghiệp ở xã Đông Hà, nằm giáp giới với Đồng Nai, chỉ cách một cây cầu nên hầu như mọi hoạt động đều sử dụng toàn bộ hạ tầng cơ sở của Đồng Nai. Không chỉ việc vận chuyển hàng hóa ra cảng rất thuận lợi, nhanh chóng mà địa bàn này lại thuộc vùng được ưu đãi đầu tư, có lượng lao động dồi dào…

Ưu điểm trên của 2 cụm công nghiệp tại Đông Hà phần nào nói lên lý do vì sao các khu công nghiệp lớn của tỉnh không được nhà đầu tư quan tâm nhiều. Tất nhiên còn bởi lý do các chủ đầu tư khu công nghiệp chưa đầu tư hạ tầng “đến nơi đến chốn” nhưng ít nhiều qua đó cho thấy khoảng cách địa lý cùng cung đường đi lại quá nhiều trở ngại của tỉnh đã cản trở việc thu hút đầu tư. Bằng chứng rất rõ, ngay cả Ninh Thuận, tỉnh xa hơn Bình Thuận nếu tính từ TP. Hồ Chí Minh ra, nhưng lại có lợi thế hơn trong thời gian gần đây, chỉ vì khoảng cách từ sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) về tỉnh này gần hơn. Đó là lý do mà dù tại Bình Thuận, từ nhiều năm trước không ít nhà đầu tư đã biết có đa dạng tiềm năng để đầu tư tốt nhưng vẫn ngần ngại, chờ đợi. Rồi đến thời điểm này, khi thông tin đã loan ra rõ ràng về đường cao tốc sẽ thi công vào năm sau, sân bay sẽ khởi công vào cuối năm nay thì nhà nhà ở Bình Thuận đều cảm nhận có rất nhiều khách đã và đang gõ cửa vào tỉnh đầu tư trên hầu hết các lĩnh vực, tương tự như nhà đông khách.

 Xu hướng phân vùng

Việc ồ ạt vào cùng lúc này khiến lúc ban đầu có những lộn xộn nhất định nhưng ở mặt nào đó cũng khiến các vùng du lịch trong tỉnh xôm tụ hơn trong đón khách nghỉ dưỡng trải nghiệm cùng các dịch vụ, tour tuyến. Mới đây, chính quyền TP. Phan Thiết đã ra quân dẹp loạn cò đất đai tại vùng sân bay thuộc xã Thiện Nghiệp. Với lực lượng có số đông đến từ các tỉnh, thành khác này đã rải xuống các huyện, nhất là ở vùng Bắc Bình, Tuy Phong móc nối, tích tụ đất từ vài chục đến vài trăm, lớn hơn cả nghìn hec ta rồi  môi giới bán cho các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước có nhu cầu làm điện gió, điện mặt trời. Thực tế, hiện đang có nhiều tập đoàn nước ngoài quan tâm đến sản xuất nguồn năng lượng xanh sạch này. Và những làng quê khó từ bao đời nay vì đất không nước, bạc màu, hoang hóa bỗng sôi động hẳn lên cùng những tiếc rẻ, vì giá đất tăng quá cao so với thời điểm bán. Vấn đề đáng nói không chỉ chuyện giá đất tăng cao mà còn vì những suy nghĩ đã thay đổi. Nhiếu nông dân ở 2 huyện này không ngờ có ngày mảnh đất không có giá trị đối với sản xuất nông nghiệp lại vô cùng có giá trị đối với công nghiệp. Vì vậy, việc mua bán, sát nhập, tích tụ đất dễ dàng khiến 2 huyện này trở thành vùng sản xuất điện lớn không chỉ trong tỉnh mà còn cả nước.

Báo cáo quý 1 năm 2019 của Bình Thuận cho thấy, chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện đạt tốc độ tăng trưởng 47,11%, tăng cao hơn nhiều so với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ở tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do các Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 4… đã đi vào hoạt động và phát điện thương phẩm. Vì vậy, không phải chờ nhiều dự án điện gió, điện mặt trời cùng hòa mạng, vùng này đã định hình là nơi sản xuất điện năng. Nhưng đồng thời đó cũng là nơi tập kết hàng hóa, vì mới đây có thông tin vào ngày 20/4 này, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân (Tuy Phong) sẽ chính thức khánh thành. Cảng này là cảng nước sâu, có quy mô lớn, diện tích hơn 140ha, với 3 bến có thiết kế khác nhau, phù hợp tải trọng tàu gồm bến 3.000 tấn,  bến 50.000 tấn và  bến 70.000 tấn. Với công suất khai thác khoảng 8 triệu tấn mỗi năm, cảng đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cho cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Nhận định về tình hình nhiều công trình hạ tầng cơ sở then chốt cho phát triển sẽ xuất hiện trong 1-2 năm tới, nhiều người cho rằng, theo thời gian, phát triển công nghiệp sẽ dạt về các huyện ở điểm đầu và cuối của tỉnh. Thực tế, 2 huyện Tuy Phong, Bắc Bình đã bộc lộ rất rõ hướng phát triển, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam đã hình thành các khu công nghiệp lớn nhưng phải chờ cú hích từ sân bay, đường cao tốc mới rõ rệt. Còn TP.Phan Thiết và những vùng phụ cận liên kết với những đặc tính hiện có sẽ nổi bật cho phát triển du lịch - dịch vụ. Trong khi đó, tại các huyện nông nghiệp sẽ xuất hiện các nhà máy chế biến nông sản nhiều hơn. Lúc đó GRDP của tỉnh sẽ tăng vọt. Có thể nói, đã đến thời điểm quyết định để Bình Thuận vươn vai “lớn lên”, sau 44 năm quê hương được giải phóng.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến thời điểm quyết định “lớn lên”