Theo dõi trên

Di dời cơ sở sản xuất, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường: Thực tế còn gặp khó!

28/02/2019, 10:45

BT- Nhiệm vụ di dời cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm môi trường hoạt động trong khu dân cư đã được UBND tỉnh giao cho các địa phương cách đây 2 năm. Với Sở Công Thương được giao trách nhiệm phối hợp đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố trên địa bàn Bình Thuận xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ đối tượng di dời…

Tuy nhiên trao đổi về vấn đề này, Phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Qua ý kiến của Sở Tư pháp thì chính sách hỗ trợ di dời là biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Do vậy theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định, đồng thời để xây dựng chính sách cũng cần xác định rõ đối tượng, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ di dời… Trong khi đó các văn bản pháp luật về lĩnh vực môi trường hiện hành lại chưa quy định về cơ sở gây ô nhiễm môi trường và việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, Bộ Tài nguyên - Môi trường chưa có quy định cụ thể tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, nên địa phương gặp trở ngại trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ di dời.

Thực tế tại Bình Thuận, thời gian qua đã có nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về di dời cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm môi trường hoạt động trong khu dân cư. Thế nhưng theo báo cáo từ các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh thì quá trình triển khai còn gặp những vướng mắc về quy định pháp luật hiện hành. Như tại TP. Phan Thiết hiện có 124 cơ sở thuộc diện di dời, dẫu vậy việc lập danh sách các cơ sở di dời theo mức độ ô nhiễm để tổ chức thực hiện theo kế hoạch, lộ trình đề ra đang gặp khó. Lý do là vì hiện nay tỉnh vẫn chưa có hướng dẫn hay quy định về đánh giá, xác định mức độ ô nhiễm môi trường của đối tượng này để làm cơ sở phân loại, lập danh sách. Ngoài ra việc khuyến khích, động viên di dời cũng vướng khó khăn bởi chưa có chính sách hỗ trợ di dời đối với cơ sở sản xuất, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường.

Thống kê trên địa bàn La Gi hiện có hơn 190 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (sơ chế thủy sản, gia công cơ khí, hàn xì, mộc gia dụng…) ảnh hưởng đến môi trường. Song đến nay, chính quyền thị xã vẫn chưa tiến hành việc di dời vì cũng gặp khó khăn và vướng mắc do kết cấu hạ tầng 2 điểm công nghiệp được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh để bố trí di dời chưa được đầu tư xây dựng hoàn thành. Thêm nữa, hiện địa phương chưa có quy định về tiêu chí xác định, biện pháp xử lý và di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, do đó không có cơ sở pháp lý để xác định cụ thể đối tượng gây ô nhiễm môi trường buộc phải di dời…

Dù thực tế còn gặp khó, nhưng việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm môi trường hoạt động trong khu dân cư trên địa bàn Bình Thuận vẫn tiếp tục được thực hiện trong năm nay. Song song đó, các địa phương cũng kiến nghị cấp thẩm quyền quan tâm tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai xây dựng các điểm công nghiệp, dịch vụ tập trung và sớm ban hành chính sách hỗ trợ di dời cũng như có hướng dẫn, quy định về đánh giá, xác định mức độ ô nhiễm môi trường của đối tượng này… Riêng với TP. Phan Thiết sẽ tiến hành qua 2 giai đoạn ngay từ tháng đầu năm, dự kiến đến tháng 6/2019 sẽ di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất, dịch vụ gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. 

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Di dời cơ sở sản xuất, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường: Thực tế còn gặp khó!