Theo dõi trên

Đông Tiến - mùa bắp trổ cờ

26/08/2016, 09:27 - Lượt đọc: 474

Lên vùng cao

 BT- Trời còn mờ sương, nhưng tôi và một vài cán bộ khuyến nông của tỉnh đã sẵn sàng lên Đông Tiến, một xã vùng cao phía Tây Bắc của huyện Hàm Thuận Bắc. Ra khỏi thành phố, tôi được hít hà không khí trong lành của miền quê, với hai bên đường là những vạt lúa đang thời điểm cúi đầu còn đẫm hơi sương, những búp hoa thanh long trắng mướt, vươn mình trong nắng sớm.

                
Anh K’ Văn Dụ tại vườn bắp lai.

Cách Phan Thiết chừng ba mươi cây số, xe chúng tôi chạy trên con đường uốn lượn, khá ngoằn ngoèo hướng về phía núi. Quả thật, lời đồng nghiệp nói sáng nay trước lúc tôi lên đường không sai. Càng tiến sâu về hướng núi, bầu trời bỗng trở nên đen kịt, kéo theo tiếng rào rạt, táp vào mặt rát cả da thịt. Mưa càng to, hơi lạnh từ đá núi càng bốc lên, xộc vào  từng lớp áo khiến tôi có cảm giác mình sắp chạm chân đến mảnh đất Đà Lạt mờ hơi sương. Qua đoạn dốc Gáo, tôi không giấu nổi sự ngạc nhiên, vì bên cạnh màu xanh của núi, của rừng là bạt ngàn sắc xanh của bắp. Cả một triền núi mênh mông, uốn lượn đã được bàn tay của đồng bào dày công chăm sóc xanh mướt thật đẹp mắt. Càng gần về phía trung tâm xã, cánh đồng bắp càng trở nên dày đặc, xen kẽ với những đám ruộng lúa nước vừa mới được gặt xong.

Người chúng tôi gặp đầu tiên là anh K’ Văn Góa - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Tiến. Tay bắt, mặt mừng. Hỏi thăm về tình hình đời sống của bà con, anh cho biết, tổng diện tích bắp lai của xã hiện có trên 340 ha. Trong đó, có 6 hộ đang tham gia thực hiện mô hình trồng bắp lai với diện tích 3,2 ha, phát triển rất tốt. Tò mò về cách trồng bắp lai của đồng bào, tôi cùng Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã K’ Văn Liếu và cán bộ khuyến nông ra cánh đồng bắp. Để vào được ruộng bắp mô hình quả thật không dễ, bởi chúng tôi buộc phải lội bộ qua đoạn suối khá dài, nước lên đến đầu gối. Cánh đồng bắp nằm dọc con suối của sông Cà Tót. Đang vào mùa mưa nên nước sông đục ngầu, chảy cuồn cuộn. Lúc đầu, tôi cảm thấy hơi bất an, khi lội từng bước chân men theo con suối gập ghềnh, một bên là những ruộng bắp cao quá đầu người. Nhưng quả thực, lâu lắm, tôi mới được gặp lại cánh đồng bắp cao và tốt đến thế. Bắp đang vào giai đoạn trổ cờ, phun râu, nên cây bắp rất đẹp. Từ nách lá, sự xuất hiện của những trái bắp mới bằng ngón tay cái. Trên đỉnh trái là từng chùm râu bắp trắng muốt, rũ xuống, đọng lại những giọt mưa long lanh.

 Giảm nghèo từ bắp lai

Anh Dũng - người cùng đi với tôi là cán bộ khuyến nông của tỉnh, phụ trách mô hình này. Với kinh nghiệm gắn bó lâu năm với nghề, anh chỉ cho tôi cách tránh  lá bắp cứa  vào tay chân. Vừa đi, anh Dũng nói, diện tích bắp này đã được 55 ngày tuổi. Đây là giai đoạn sung sức nhất của cây bắp và chỉ kéo dài trong khoảng thời gian 7-10 ngày. Đến khoảng 55 ngày tuổi nữa là có thể thu hoạch. Đây là giống bắp lai mới SK.100, được 6 hộ dân của xã  trồng. Điều khiến tôi ngạc nhiên, trước đây đồng bào thường sản xuất theo tập quán cũ, không chăm sóc khiến bắp năng suất thấp. Thì nay, khi có tin được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư hỗ trợ giống, vật tư, đồng bào đều hăng hái thực hiện theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của trung tâm. Anh K’ Văn Dụ- một trong 6 hộ tham gia mô hình với diện tích 8 sào, dẫn chúng tôi men theo các luống đất trống ở giữa dãy gốc bắp, anh không khỏi vui mừng, chậm rãi nói: “Gia đình tôi trồng bắp nhiều năm, nhưng năm nay bắp phát triển tốt nhất,  năng suất  chắc là sẽ cao hơn giống cũ”. Còn  bà K’ Thị Hêng, sau khi được cán bộ khuyến nông kiểm tra rẫy bắp, chỉ cho xem cách nhận biết bệnh thán thư  đã không quên nói lời cảm ơn vì như bà nói: Nếu không có cán bộ kỹ thuật của trung tâm, những người trồng bắp ở Đông Tiến khó mà đạt năng suất cao.

Trò chuyện với những người trồng bắp thêm một lúc nữa, chúng tôi rời khỏi cánh đồng bắp rộng lớn, trở lại vào làng trong cơn mưa rả rích. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã K’ Văn Liếu nhìn trời,  lo lắng: “Mưa kéo dài đã 8 ngày đêm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây bắp,  sâu bệnh dễ phát triển. Đồng bào chỉ  mong Giàng và cán bộ kỹ thuật giúp đỡ để cho bắp đạt thôi!”.  Chúng tôi không quên nói lời động viên anh Liếu vì nếu tính theo năng suất lý thuyết, bắp mô hình ước đạt từ 8 - 10 tấn/ha. Lúc đó, chắc chắn người sản xuất sẽ rất phấn khởi. Theo dự đoán của xã, nếu bắp có giá 3.200 đồng/kg như năm ngoái, đồng bào sẽ lãi từ 8 -10 triệu đồng/ha. Yên tâm hơn là đối với đồng bào dân tộc nói chung và Đông Tiến nói riêng, sau khi thu hoạch bắp sẽ được Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh bao tiêu sản phẩm, ngoài ra còn có cả  thương nhân đến  mua.

 Ánh nắng le lói sau cơn mưa khiến cánh đồng bắp trải khắp triền núi của đồng bào Đông Tiến càng trở nên mướt xanh, quyến rũ. Chúng tôi chia tay những người dân vùng cao hiếu khách, chân chất để về lại vùng đồng bằng, đô thị. Để lại sau lưng là bạt ngàn cây bắp đang thì trổ cờ, phun râu, tạo nên vẻ đẹp  của vùng  cao…

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đông Tiến - mùa bắp trổ cờ