Theo dõi trên

Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam qua Bình Thuận: Tổng mức đầu tư trên 39,6 ngàn tỷ đồng

25/04/2019, 10:47

BTO- Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam (phía Đông) giai đoạn 2017 – 2020 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có chiều dài 160,3 km, với 3 dự án thành phần đã được Bộ Giao thông – Vận tải phê duyệt. Theo đó, đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 12 km; Vĩnh Hảo – Phan Thiết 100,8 km và Phan Thiết – Dầu Giây 47,5 km. Toàn tuyến dự án này đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Theo quy mô của dự án, sau khi hoàn thành đường cao tốc có 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m; vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km; toàn tuyến đi qua tỉnh Bình Thuận có 7 nút giao liên thông, 40 cầu vượt, 54 hầm chui bố trí tại các vị trí giao cắt với đường địa phương và đường gom với tổng chiều dài 185,1 km với tổng mức đầu tư 39,66 ngàn tỷ đồng.

Có thể nói đây là dự án khá lớn, liên quan đến nhiều huyện trong tỉnh nên việc giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ rất khó khăn, nếu không có sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo của  cấp ủy, chính quyền nơi dự án đi qua. Số liệu thống kê dự án cho biết tổng diện tích GPMB là 1.179,45 ha, bao gồm đất lúa; đất rừng sản xuất; đất ở nông thôn; đất trồng cây, nuôi trồng thủy sản; đất của các tổ chức, cơ quan; đất giao thông sông hồ và đất khác. Trong 5 huyện có diện đất giải phóng mặt bằng, nhiều nhất là Hàm Thuận Nam 304,52 ha và thấp nhất Hàm Tân 169,82 ha; các huyện còn lại từ 208 đến 275 ha; với kinh phí dự kiến GPMB 2.205,7 tỷ đồng. Để áp dụng thực hiện đối với dự án cho phù hợp thực tế, UBND tỉnh đã ban hành quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số điều về quy định nguyên tắc và đơn giá bồi thường thiệt hại về tài sản khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giao cho 5 huyện rà soát, đề xuất khu tái định; lập tiến độ tổng thể công tác bồi thường, GPMB; lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện công tác bồi thường GPMB gửi các Ban Quản lý dự án của Bộ Giao thông – vận tải tổng hợp, bố trí vốn.

Đối với tái định cư trong vùng dự án, trên cơ sở đề xuất của các huyện, Sở Giao thông – vận tải đã báo cáo, tham mưu UBND tỉnh có công văn gửi Bộ Giao thông – vận tải. Đồng thời Ban quản lý dự án 7 cũng đã báo cáo bộ sớm thống nhất việc đầu tư xây dựng mới 3 khu tái định cư phục vụ GPMB đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết gồm: khu tái định cư tại thôn Hải Thủy, xã Hải Ninh (Bắc Bình) với diện tích 2,2 ha; khu tái định cư tại thôn 3, thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc) 3 ha và khu tái định cư tại thôn Văn Phong, xã Mương Mán (Hàm Thuận Nam) 1,3 ha. Riêng đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đi qua khu dân cư Tân Lập (Hàm Thuận Nam) và trụ sở UBND xã Sông Phan (Hàm Tân) được bố trí như sau: dự án khu tái định cư Tân Lập đã được Sở Kế hoạch – đầu tư phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật với diện tích 0,96 ha tương đương gần 28 lô (1 lô 200 m2), kinh phí đầu tư 5,181 tỷ đồng, bố trí cho 28 hộ tái định cư. Để phù hợp khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với mức tổng đầu tư 7,376 tỷ đồng, và Sở Kế hoạch – đầu tư đang phê duyệt điều chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Về việc di dời trụ sở UBND xã Sông Phan, căn cứ báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án được Bộ Tài nguyên – môi trường phê duyệt thì sau khi hình thành tuyến đường cao tốc, trụ sở UBND xã Sông Phan sẽ bị chia cắt theo 3 phía: phía Bắc bởi đường dự án, phía Đông bởi QL 55 cũ và phía Tây bởi QL 55 mới, nhân dân ở đây sẽ gặp khó khăn khi đến trụ sở xã liên hệ công việc. Theo đề nghị của huyện Hàm Tân, Sở Giao thông – vận tải đã tham mưu UBND tỉnh gửi Bộ Giao thông – vận tải xem xét, thống nhất hỗ trợ bồi thường toàn bộ công trình trụ sở làm việc UBND xã Sông Phan để có nguồn vốn xây dựng trụ sở mới.

Như vậy có thể thấy, các huyện cũng như nhiều sở chuyên ngành đã rất quyết tâm trong phối hợp, tiến hành các bước để đẩy nhanh triển khai dự án. Tỉnh cũng đặt quyết tâm thực hiện thời gian bàn giao mặt bằng cho Bộ Giao thông – vận tải đúng tiến độ từ ngày 1/9 – 30/11/2019 cho chủ đầu tư. Với kinh nghiệm GPMB dự án mở rộng QL 1 A trước đây, Bình Thuận sẽ hoàn thành tiến độ bàn giao mặt bằng, để dự án sớm triển khai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong những năm đến.

Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam qua Bình Thuận: Tổng mức đầu tư trên 39,6 ngàn tỷ đồng