Theo dõi trên

Du lịch nông nghiệp - thêm một hướng đi mới cho du lịch Bình Thuận

25/02/2019, 13:54

Triển vọng của xu hướng du lịch nông nghiệp

BX- Du lịch gắn với thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống nơi thôn dã, làm bạn với nông dân, tìm hiểu kỹ thuật canh tác nông nghiệp và thưởng thức sản phẩm nông nghiệp là một loại hình du lịch ngày càng trở nên hấp dẫn. Loại hình du lịch này được gọi với nhiều cái tên rất gần gũi, chẳng hạn ở Anh là “du lịch nông thôn”, ở Mỹ là “du lịch trang trại”, ở Nhật Bản là “du lịch xanh”, ở Pháp là “du lịch với cỏ cây” còn ở Việt Nam thường được gọi là “du lịch miệt vườn” hay du lịch nông nghiệp.

                
Du khách được trải nghiệm thực tế ngay tại    vườn thanh long.

So các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, mua sắm… du lịch nông nghiệp có sự hấp dẫn mới bởi trước áp lực của cuộc sống đô thị, môi trường làm việc công nghiệp, ô nhiễm môi trường, thì nông thôn đã đem lại cho du khách nhiều không gian để thư giãn; du khách được “tương tác” với người dân địa phương nhiều hơn, cùng nông dân cày ruộng, gieo trồng, thu hoạch, câu cá, tát đồng, quăng chài bắt cá; là dịp để du khách thư giãn, giải trí, rèn luyện thể lực, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Loại hình này cũng thường được các bậc phụ huynh khuyến khích con trẻ tham gia, bởi thông qua hoạt động du lịch nông nghiệp, trẻ em học được nhiều điều từ thiên nhiên, hiểu biết cuộc sống, thiên nhiên và yêu thiên nhiên nhiều hơn.

Chính vì vậy, những năm gần đây, loại hình du lịch này được các công ty lữ hành, du lịch quan tâm. Nhiều tour tuyến về thăm vùng nông thôn được tổ chức, xem như là một phần không thể thiếu được trong một kỳ du lịch của du khách. Các địa phương cũng xem đây là một hướng đi mới để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách và tạo thêm “kênh” thu nhập cho người nông dân. Có thể thấy điều đó khi hầu như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều có tour tham quan vườn cây ăn trái, các tỉnh miền núi phía Bắc có các tour tham quan nông trường, trang trại và các lễ hội gắn với nông nghiệp, nông thôn. Ở Tây Nguyên, thành phố Đà Lạt nổi lên như một điểm sáng về du lịch nông nghiệp khi mà các tour tham quan vườn cây, hoa, quả ứng dụng công nghệ cao ngày càng mới lạ, hấp dẫn với lượng khách gia tăng khoảng 20-30% mỗi năm. Theo thống kê của nhiều tỉnh, xu hướng du lịch này đã góp phần gia tăng lượng khách đến và số ngày lưu trú. Sự kết hợp của du lịch với nông nghiệp được nhiều địa phương xem là một hướng đi mới trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 Thêm một hướng đi cho du lịch Bình Thuận

So nhiều địa phương khác, tự nhiên ban tặng cho Bình Thuận nhiều tiềm năng và nguồn tài nguyên du lịch phong phú gắn với biển, đảo và rừng tự nhiên. Ngoài thế mạnh về du lịch biển, Bình Thuận có nhiều “dư địa” để phát triển du lịch nông nghiệp. Một sự kết hợp hài hòa giữa biển, vùng nông nghiệp và núi rừng sẽ giúp cho Bình Thuận đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút du khách.

Là “thủ phủ cây thanh long”, với diện tích trồng thanh long lên đến 30.000 ha, lớn nhất cả nước, cây thanh long phải tham gia “làm du lịch”. Điểm thuận lợi để gắn kết những vườn thanh long với du lịch là dọc tuyến ven biển và quốc lộ 1A, là những vườn thanh long bạt ngàn. Du khách có thể sáng tắm biển, sau đó đi tham quan vườn thanh long, trưa về nghỉ ngơi ở các khu resort. Tại các vườn thanh long, du khách có thể cùng tham gia với người dân hoạt động canh tác, như làm cỏ, “vuốt tai”, hái quả. Du khách cũng có thể thưởng thức tại chỗ các loại thanh long đỏ, thanh long tím hồng, thanh long trắng và mua thanh long sạch về làm quà.

Thanh long Bình Thuận được nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định là “ngon nhất Việt Nam”, ngành du lịch và nông nghiệp Bình Thuận cần tạo một “slogan”: Đến Mũi Né mà chưa mua thanh long về làm quà thì xem như chưa đến. Mỗi năm, Bình Thuận đón 5 triệu lượt du khách nội địa, nếu mỗi du khách đều mua 1 thùng thanh long về làm quà (10 kg) thì chỉ riêng ngành du lịch đã tiêu thụ cho nông dân Bình Thuận 1/10 sản lượng thanh long.

Hiện nay, Bình Thuận đang triển  khai thử nghiệm mô hình “Trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long cùng người dân Hàm Thuận Nam” với chương trình tham quan như: tham quan các vườn thanh long chong đèn, khám phá hoa thanh long nở, trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long kết hợp thưởng thức ẩm thực chế biến từ thanh long… Trên cơ sở mô hình này, ngành du lịch và các địa phương cần tăng cường thông tin, giới thiệu sản phẩm đến các công ty lữ hành, du lịch để đưa khách đến tham quan. Mặt khác, cần tiếp tục vận động nông dân ở các khu vực thuận lợi tham gia hoạt động du lịch. Tổ chức tập huấn cho nông dân một số kỹ năng, kiến thức cơ bản về hoạt động du lịch. Hỗ trợ xây dựng các vườn thanh long phục vụ du lịch…

Được biết, UBND tỉnh Bình Thuận đã quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao tập trung với quy mô khoảng 2.000 ha; khu vực quy hoạch không xa lắm các khu du lịch ven biển. Để phát triển du lịch nông nghiệp, ngay từ giai đoạn nghiên cứu đầu tư, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cần định hướng hoặc gợi ý xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch. So với Lâm Đồng, Bình Thuận “đi sau” về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch nông nghiệp. Song, đi sau sẽ có lợi thế khi đã nắm bắt được những bài học từ người đi trước, tạo ra sự đa dạng hóa về sản phẩm du lịch, tiến tới phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững ở Bình Thuận.

Một dự án vừa được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đã “đón” được xu thế này khi đưa ra ý tưởng xây dựng khu du lịch nông thị. Nếu dự án này triển khai, sẽ hình thành những khu nông thị sinh thái kết hợp du lịch. Rải rác trong khu nông thị là các điểm dân cư và điểm cư trú ngắn ngày tại chỗ nhằm phục vụ du khách muốn khám phá kỹ thuật canh nông. Tuy nhiên, đây chỉ là một dự án cụ thể. Ngành du lịch Bình Thuận cần xây dựng kế hoạch kết nối giữa du lịch biển với các trang trại nông nghiệp, những khu nông thôn sản xuất các loại cây trồng đặc trưng của Bình Thuận, như thanh long, mủ trôm, các trang trại ứng dụng công nghệ cao.

Trong định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn luôn được xác định là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIII) về phát triển du lịch đến năm 2020 đã xác định phải phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và phát triển du lịch phải gắn với cộng đồng dân cư… Chính vì thế, du lịch gắn với nông nghiệp bền vững là một hướng đi mới nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của Bình Thuận cần được đầu tư.

Bảo Ngân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch nông nghiệp - thêm một hướng đi mới cho du lịch Bình Thuận