Theo dõi trên

Du lịch Tuy Phong: Chờ những dự án quy mô lớn

25/06/2018, 09:24 - Lượt đọc: 354

BT- 20 dự án đầu tư du lịch được UBND tỉnh chấp thuận còn hiệu lực với tổng diện tích gần 400 ha và tổng vốn đăng ký 4.428 tỷ đồng, trong đó có 8 dự án đã đưa vào hoạt động kinh doanh. Nhìn những con số vừa nêu, có thể mường tượng tình hình du lịch trên địa bàn huyện Tuy Phong hiện nay khởi sắc hẳn lên so với trước, bởi tỷ lệ dự án đi vào hoạt động chiếm đến 40%...

                
      
Du lịch Tuy Phong vẫn chưa khởi sắc, bởi    những dự án đi vào hoạt động hầu hết đều có quy mô nhỏ.

Thế nhưng ngoài Khu du lịch (KDL) Sinh thái Cổ Thạch sở hữu diện tích tương đối là gần 6 ha, nhìn chung hầu hết các dự án đang hoạt động kinh doanh ổn định tại địa bàn cực Bắc Bình Thuận đều có quy mô nhỏ. Như ở xã Vĩnh Tân có KDL Thái Bình Dương với diện tích đất thuê hơn 2 ha, hiện dự án đã được đầu tư nhà hàng, 4 dãy nhà nghỉ, nhà bếp, nhà vệ sinh… hay KDL Hưng Phát 2 đưa vào kinh doanh từ năm 2005 cũng có diện tích chưa tới 3 ha. Với KDL Lặn biển Việt Nam (còn có tên SCUBA) thì chỉ rộng 1,2 ha, hoặc dự án Nhà hàng khách sạn Vĩnh Tân Vina có diện tích nhỉnh hơn một chút là 1,58 ha và được chủ đầu tư triển khai giai đoạn 1 gồm 10 phòng nghỉ, nhà hàng và cùng một số hạng mục khác. Còn trên địa bàn xã Vĩnh Hảo, dù một số dự án đưa vào hoạt động khá lâu nhưng chủ yếu vẫn có quy mô nhỏ: KDL biển Vĩnh Hảo (diện tích đất thuê chưa đến 1 ha), KDL Hải Toàn (khoảng 1,66 ha), KDL Trung Á (diện tích 2 ha)…

Theo UBND huyện Tuy Phong, 12 dự án du lịch còn lại trên địa bàn được xếp vào diện có tác động triển khai xây dựng hoặc dự án chưa triển khai do nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Dù vậy trong số 6 trường hợp đã tác động triển khai cũng có không ít dự án sở hữu diện tích quy mô khá nhỏ như: KDL Hoàng Long (2,65 ha), KDL Hải Yến (2,52 ha), Khu nhà hàng cao cấp Việt Úc (2,26 ha), Khu dịch vụ nhà hàng khách sạn Davaza Vĩnh Tân (15.544 m2)… Riêng dự án KDL Sinh thái Tân Đại Dương của Công ty TNHH ĐT - TM - DV Địa ốc Vạn Phúc Thịnh có diện tích thuê đất giai đoạn 1 được thi công xây dựng phần phía biển và đưa vào kinh doanh từ năm 2012. Đối với phía bên đồi của dự án này (hơn 3 ha) hiện vẫn vướng đền bù giải phóng mặt bằng, xuất phát từ nguyên nhân do các hộ dân yêu cầu giá quá cao so giá thị trường.

Trong khi đó, 6 dự án du lịch có quy mô lớn và rất mong được sớm hình thành nhưng thuộc trường hợp chưa triển khai xây dựng vì đang vướng một số nguyên nhân, hoặc do mới cấp quyết định chủ trương đầu tư năm 2017. Điển hình Khu tổ hợp Khách sạn cao cấp Utisys - dự án được kỳ vọng làm thay đổi diện mạo du lịch Tuy Phong có diện tích hơn 100 ha thì tiếp tục gia hạn thêm thời gian, dù dự kiến đưa vào hoạt động trong năm ngoái. Với dự án Khu nghỉ dưỡng rừng dương tại xã Bình Thạnh lại có toàn bộ diện tích 31,3 ha nằm trong khu dự trữ khoáng sản titan quốc gia, còn KDL sinh thái Phong Liên (diện tích gần 22 ha) trong thời gian qua vẫn chưa được hoàn chỉnh đầy đủ thủ tục để khởi công dự án…

Thực tế trên cho thấy, tình hình sử dụng đất của nhiều dự án du lịch trên địa bàn huyện Tuy Phong, nhất là dự án đẳng cấp có quy mô lớn còn lãng phí, vì vậy các sở ngành và địa phương liên quan cần tập trung đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong trường tiếp tục chậm triển khai mà không có lý do chính đáng thì phải kiên quyết xử lý, kể cả biện pháp cuối cùng là đề xuất UBND tỉnh ra quyết định thu hồi dự án theo quy định. 

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch Tuy Phong: Chờ những dự án quy mô lớn