Theo dõi trên

Đức Linh: Doanh nghiệp liên kết với nông dân còn khập khiễng?

18/08/2019, 10:19 - Lượt đọc: 93

BTO- Những ngày qua đến với nông dân vùng trọng điểm trồng lúa, bắp, rau và chăn nuôi heo thuộc các xã nam sông La Ngà của huyện Đức Linh chúng tôi nghe nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng nông sản của nông dân làm ra bị thương lái ép giá, ép cấp khi thu mua. Trong lúc đó, UBND huyện Đức Linh đã thực hiện chủ trương mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp về địa phương thực hiện việc đầu tư ứng trước và tiêu thụ sản phẩm nông sản…Vậy hiệu quả liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đến đâu?

                
      Nông dân Nam Chính thu hoạch lúa.

Qua tìm hiểu chúng tôi thấy: Do tác động của giá cả thị trường trên một số loại nông sản thường xuyên biến động, khó lường nên các đơn vị thu mua, doanh nghiệp chưa mạnh dạn mở rộng đối tượng sản phẩm cũng như chưa mở rộng qui mô về diện tích, số lượng nông sản bao tiêu ngay từ ban đầu. Mặt khác, số doanh nghiệp được mời gọi hiện nay để tham gia đầu tư vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông sản còn hạn chế… Từ đó, đã xảy ra tình trạng khi thu hoạch đúng thời vụ doanh nghiệp không thu mua hết, nông dân phải bán sản phẩm cho thương lái trong và ngoài địa phương. Bên cạnh đó, tư tưởng của một bộ phận nông dân chưa nhất quán, thường phá vỡ hợp đồng làm cho doanh nghiệp mất niềm tin. Điều đó thể hiện rõ là người nông dân chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng nông sản khi doanh nghiệp đưa ra thực hiện hợp đồng, cam kết thu mua nông sản; không thực hiện đúng cam kết khi thu hoạch sẽ bán sản phẩm cho doanh nghiệp; thường lúc giá nông sản trên thị trường cao hơn giá hợp đồng với doanh nghiệp đã cam kết trước đó thì nông dân lại tự ý bán cho thương lái bên ngoài, nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp chế tài. Chẳng hạn, gần đây nhất là mô hình liên kết thu mua sản phẩm bắp với Công ty Vạn Thắng; liên kết sản phẩm rau xanh với Công ty ViNo; liên kết cây lúa với Công ty Giống cây trồng Đông Nam hoặc Công ty Đại Nhật Phát… đã xảy ra tình trạng người nông dân tự ý phá vỡ hợp đồng liên kết khiến cho các doanh nghiệp mất niềm tin, không dám đầu tư. Từ đó doanh nghiệp khó tiếp tục bao tiêu sản phẩm nông sản; người nông dân bị các thương lái quyết định giá cả khi thu mua, bán nông sản trên địa bàn. Vì thế giá cả nông sản không ổn định như mong muốn.

Để chấn chỉnh thực trạng nói trên, UBND huyện Đức Linh đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp. Mặt khác, để khắc phục tình trạng tư thương ép giá, ép cấp nông sản của nông dân, UBND huyện Đức Linh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp như: Tập trung đẩy mạnh thực hiện phát triển sản xuất theo vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng yêu cầu đủ số lượng hàng hóa; đồng thời, khuyến cáo người dân đầu tư thâm canh để tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản. Đặc biệt là quan tâm đến hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, mỗi xã, thị trấn cần thành lập ít nhất một hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp và tổ chức đại diện nông dân để trực tiếp cùng doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi liên kết, gắn việc đầu tư từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân có hiệu quả.

Lê Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đức Linh: Doanh nghiệp liên kết với nông dân còn khập khiễng?