Theo dõi trên

Đức Linh: Tạo chuỗi sản xuất gắn tiêu thụ

14/03/2018, 08:22

BT- Được sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, ngành nông nghiệp Đức Linh cùng đơn vị tư vấn Viện Quy hoạch Miền Trung phân tích đất đai thổ nhưỡng, định hướng các vùng sản xuất cây trồng phù hợp tình hình thực tế. Qua đó huyện quy hoạch vùng lúa chất lượng cao ở các xã Sùng Nhơn, Mê Pu, Nam Chính, Võ Xu, Vũ Hòa, Đa Kai, Đức Chính với diện tích 3.000 ha; vùng chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa không chủ động nước khoảng 2.000 ha; gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm…

                
   Cánh đồng lúa chất lượng cao của Đức Linh.

Liên kết sản xuất

Ông Huỳnh Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Bước đầu Đức Linh thực hiện hiệu quả chuyển đổi cây trồng theo định hướng quy hoạch và hiện đang xúc tiến nhân rộng ở các địa phương”. Điển hình, vụ đông xuân này, nông dân trong huyện đã đưa vào gần 1.400 ha liên kết sản xuất nếp chất lượng cao với HTX Dịch vụ Công Thành (Đức Chính), năng suất đạt từ 65 - 70 tạ/ha, được HTX bao tiêu sản phẩm trong 3 vụ với giá thu mua cao hơn lúa 1.000 đồng/kg. Doanh nghiệp Đại Nhật Phát đầu tư mô hình cánh đồng lớn ở xã Nam Chính 400 ha, Công ty Giống cây trồng Đồng Nam liên kết sản xuất 40 ha lúa giống ở Đức Tài, Võ Xu, năng suất đạt trên 70 tạ/ha, sản phẩm đạt tiêu chuẩn 250 tấn được công ty thu mua hết với giá cao hơn thị trường 500- 1.000 đồng/kg. Công ty Giống cây trồng Nha Hố (Ninh Thuận) cũng đã khảo nghiệm giống PY2 ở các xã Nam Chính, thị trấn Võ Xu năng suất đạt trên 70 tạ/ha, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm…

Vùng chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa không chủ động nước tưới, người dân đã lần lượt canh tác hơn 1.400 ha, trong đó nhiều diện tích được nông dân ký kết tiêu thụ. Đầu năm nay, Công ty CP Mía đường La Ngà, Công ty Charis liên kết với HTX nông nghiệp Sùng Nhơn áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía (máy thu hoạch mía). Cũng ở xã này, người dân đang nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm trên đất lúa 1 vụ cho thu nhập 110 – 120 triệu đồng/ha/vụ, tăng hơn sản xuất lúa và gấp 3 lần so cây bắp lai. Đặc biệt, mô hình trồng sắn dây lấy củ cho thu nhập rất cao với 500 - 600 triệu đồng/ha/vụ ở xã Đức Tín, hiện nay người dân đang tiếp tục mở rộng diện tích. Nhiều hộ ở 3 xã Sùng Nhơn, Mê Pu, Đức Tín còn đem lại nguồn thu khá khi liên kết Công ty  Giống Vino trồng 24 ha bí, khổ qua lấy hạt giống và bắp lấy trái non. Xã Nam Chính liên kết Công ty Xuất nhập khẩu Vạn Thắng trồng 30 ha bắp vụ đông xuân. Ngoài ra, các loại cây ngắn ngày khác như đậu phộng, bắp, dưa hấu… ở nhiều địa phương khác cũng đem lại hiệu quả. Cây trồng chuyển đổi này đều cho thu nhập cao hơn so trồng lúa từ 2- 5 triệu đồng/ha. Các mô hình liên kết trong vùng quy hoạch bước đầu tạo được chuỗi sản xuất trong nông nghiệp, đem lại hiệu quả cao, nhờ giảm chi phí đầu tư và quan trọng doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm…  

Tăng diện tích cây dài ngày

Các loại cây lâu năm thế mạnh ở Đức Linh ngày càng được người dân chú trọng trồng mới hàng năm, nâng tổng số diện tích lên hơn 31.106 ha, đạt gần 100% kế hoạch. Trong đó cây cao su 13.357 ha, điều 10.470 ha, tiêu 1.500 ha, cà phê 413 ha, cây ăn quả 1.535 ha. Cuối tuần qua, cùng đoàn Tỉnh ủy làm việc với Huyện ủy Đức Linh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Phan Văn Tấn lưu ý với lãnh đạo huyện: “Cần tích cực chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bởi diện tích vườn tạp còn nhiều, gần 3.000 ha điều già cỗi chưa được cải tạo để từng bước gia tăng gía trị sản phẩm nông nghiệp”. Còn ông Huỳnh Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho hay, các ngành chức năng huyện cùng lãnh đạo xã, thị trấn đã và đang chỉ đạo chặt chẽ thời vụ, cơ cấu cây trồng, nhất là trong vùng quy hoạch, kiên cố hóa nhiều hạng mục hệ thống kênh mương nội đồng, điều tiết nước cho cây trồng, phòng trừ sâu bệnh sản xuất lúa vụ hè thu sắp tới, nâng cao năng suất cây trồng. Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp huyện đang hướng dẫn nông dân sản xuất vụ hè thu; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước cải tạo vườn tạp, thay thế những vườn điều già cỗi bằng loại cây công nghiệp dài ngày đang được thị trường ưa chuộng (tiêu, điều cao sản…). Huyện khuyến cáo người dân liên kết sản xuất lúa, rau màu vùng quy hoạch, tăng cường đầu tư, chăm sóc những vườn cao su hiện có, đảm bảo chất lượng mủ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh biểu dương lãnh đạo Đức Linh đã chủ động quy hoạch các vùng sản xuất phù hợp, năng động triển khai các giải pháp đồng bộ nên đạt được những kết quả khả quan về kinh tế, xã hội. Phó Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Thường vụ Huyện ủy Đức Linh tiếp tục tập trung lãnh đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn lợi thế địa phương bởi huyện là cửa ngõ vùng Đông Nam bộ, giao thông thuận tiện; khuyến khích phát triển mạnh các loại hình kinh tế hợp tác, trang trại, liên kết doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, tạo đầu ra ổn định; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm.

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đức Linh: Tạo chuỗi sản xuất gắn tiêu thụ