Theo dõi trên

Gạch nối đánh bắt xa bờ

22/01/2017, 10:25

  BTO-  Từ nhiều năm nay, không ít ngư dân Cù Lao Thu (Phú Quý) đều biết đến ông Ngô Văn Chức, Tổ trưởng Tổ đoàn kết số 1 thôn Phú Long, xã Long Hải, bởi ông được xem như gạch nối cho mô hình khai thác xa bờ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở huyện đảo nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.

                
Đội tàu đánh bắt xa bờ Phú Quý. Ảnh: T.K

 Mở đường đánh bắt khơi xa

Lão ngư từng trải, tung hoành các tuyến lộng, tuyến khơi vùng biển Phú Quý, ông Ngô Văn Chức nhận ra rằng, cứ đánh bắt quanh ngư trường truyền thống của đảo khó khá giả được, bởi nguồn hải sản không còn phong phú như trước. Ông bàn bạc với 4 người con trai đã có gia đình riêng, tung nguồn vốn dành dụm lâu nay, vay thêm tiền Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huyện, người thân, lần lượt đóng, đại tu 4 chiếc tàu công suất  300 CV trở lên, tổng trị giá gần 10 tỷ đồng, vươn khơi khai thác xa bờ, đến với Trường Sa. Họ là những người đầu tiên của đảo đến ngư trường xa cách đây hơn 20 năm. Ngày ấy, còn biết bao nỗi khó khăn trên biển, tổ đoàn kết với các thành viên chính trong gia đình cùng những bạn thuyền do ông Chức dẫn đầu đã tự tin, hỗ trợ nhau, vượt qua bao sóng to gió lớn, có mặt ngư trường Trường Sa… Với kinh nghiệm nghề câu khơi hàng chục năm ở vùng biển Phú Quý, ông Chức dễ dàng biết những khu vực biển rạn, nhiều san hô nằm xung quanh các đảo nổi, đảo chìm ở vùng biển rộng lớn này - là nơi thích hợp không ít loài cá đáy bên dưới. Qua bộ đàm nội bộ, ông hướng dẫn các con là thuyền trưởng trên mỗi tàu định vị từng điểm, thuyền viên cứ thế hành nghề câu khơi. Nguồn hải sản cá ăn đáy ở đây quả thật phong phú; các bạn thuyền trên 4 tàu đều câu được các loại hải sản giá trị cao, như cá mú, kẽm, gáy, đổng, tôm hùm…; chế biến sơ cho vào hầm đông bảo quản dài ngày. Bởi thế trong mỗi chuyến câu khơi cả tháng, 4 tàu của gia đình ông luôn đầy cá, tôm, ốc, ghẹ… Gần 15 năm ngang dọc vùng biển Trường Sa, ông Chức đã đặt chân đến 21 đảo, điểm đảo, nhiều cán bộ chiến sĩ quý mến tấm lòng chân thành của ông. Mỗi chuyến đánh bắt xa khơi, mỗi tàu thành viên trong gia đình ông đạt sản lượng 8 - 10 tấn hải sản trị giá cao; sau khi trừ chi phí lãi 400  - 500 triệu đồng. 20 lao động mỗi tàu được chia 20 triệu đồng/người. Hàng năm, khoảng một tháng sau tết, các tàu xuất hành vươn khơi; mỗi năm gia đình ông Chức có 8 - 9 tháng hành nghề. Thuyền viên trên mỗi tàu thu về không dưới 150 triệu đồng; đặc biệt các chủ tàu kiêm luôn thuyền trưởng hưởng thu nhập cao hơn nhiều, gần cả tỷ đồng/năm. Kinh tế gia đình ông Chức cùng các con trai khá lên thấy rõ, họ đều xây được nhà khang trang trị giá cả tỷ đồng, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt gia đình, con cái có điều kiện học hành.

                
Lão ngư Ngô Văn Chức mở đường đánh bắt khơi    xa.

 Lan tỏa

 “Hữu xạ tự nhiên hương”, khá nhiều ngư dân Long Hải, Tam Thanh đến ông Chức học hỏi kinh nghiệm, ông sẵn sàng chia sẻ về nghề. Ông tận tình hướng dẫn họ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ dành cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ (nhất là Nghị định 67/CP), tín dụng hỗ trợ của tỉnh, khoản tiền dầu do Nhà nước hỗ trợ cho mỗi tàu đánh bắt Trường Sa từ 240 - 300 triệu đồng/năm, cũng như cách thức câu khơi, phân phối lợi nhuận từ ngay kinh nghiệm các tàu trong gia đình ông. Đồng thời vận động những người dám vươn khơi vào tổ đoàn kết để giúp nhau trên biển, đem lại hiệu quả khai thác. Nhiều ngư dân dần dần nhận ra điều này, họ tự nguyện gia nhập tổ ông. Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ số 1 Phú Long, xã Long Hải, Phú Quý ra đời từ đó, do ông Ngô Văn Chức làm tổ trưởng. Hiện, tổ đã có 21 tàu, công suất mỗi tàu từ 250 - 400 CV đánh bắt khu vực Trường Sa, thu hút gần 500 thuyền viên. Dưới sự điều hành chung của ông, trong mỗi chuyến ra khơi, đội tàu trong tổ đều hành trình theo nhóm 4 - 5 chiếc, hỗ trợ kịp thời mọi bất trắc trên biển. Khi tổ đến vùng biển Trường Sa phát hiện luồng cá đáy liền thông tin cho nhau cùng đánh bắt, nhờ đó các tàu đều phát huy tối đa công suất khai thác, sản lượng đánh bắt không thua kém 4 tàu đầu tiên của ông Chức khởi nghiệp.

                
Tôm hùm - nguồn đặc sản đánh bắt xa bờ của    Phú Quý.

 Tiếp sức

Từ mô hình tổ đoàn kết của ông Chức, Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ số 2 Phú Long, xã Long Hải ra đời và cùng song hành hoạt động, rồi mô hình lần lượt ra đời ở Tam Thanh, Ngũ Phụng. Quy mô hơn, Nghiệp đoàn nghề cá Tam Thanh hình thành, thu hút đông đảo thành viên vươn khơi đánh bắt. Điều này lý giải ngư dân Phú Quý “hit” Nghị định 67 để đóng mới, nâng cấp, lắp ráp máy công suất lớn cho tàu khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá. Đến cuối năm Bính Thân vừa qua, 46 tàu công suất lớn của người dân huyện đảo Phú Quý được đóng mới, nâng cấp đưa vào khai thác hải sản vùng biển Trường Sa, nhà giàn DK1, Nam Côn Sơn và có dịch vụ hậu cần trên  biển. Những chiếc tàu cá trên được Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT - Chi nhánh Bình Thuận cam kết cho vay với tổng số tiền hơn 300 tỷ đồng, bình quân 7 tỷ đồng/chiếc, trong tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng. Được biết, thực hiện Nghị định 67/CP, Phú Quý dẫn đầu danh sách đăng ký với gần 110 chiếc/157 chiếc tàu được UBND tỉnh phê duyệt đóng mới, nâng cấp trong toàn tỉnh. Trong đó, tàu khai thác hải sản chiếm hơn một nửa, còn lại tàu dịch vụ hậu cần trên biển. Huyện đảo nông thôn mới được đánh giá điển hình của tỉnh về thực hiện chính sách phát triển thủy sản, góp phần đưa Bình Thuận là một trong những địa phương tốp đầu cả nước triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi này.

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gạch nối đánh bắt xa bờ