Theo dõi trên

Ghép chồi trẻ hóa vườn điều già

17/07/2017, 08:16

BT- Phần lớn diện tích điều già cỗi được trồng trên đất xấu, chủ yếu phó thác cho tự nhiên và chờ ngày thu hoạch. Ắt hẳn, năng suất không đạt. Một trong những phương pháp trẻ hóa vườn điều già, nâng cao chất lượng sản phẩm là ghép chồi.

Diện tích giảm, năng suất thấp

Theo ông Trần Minh Quân (Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp – Phan Thiết), trước năm 2012, toàn xã có 950 ha điều. Cây điều giúp nông dân Thiện Nghiệp có thêm nguồn thu khá, cải thiện mức sống nhờ sản lượng tăng, giá ổn định. Tuy nhiên, kể từ năm 2012 cho đến nay, năng suất cây điều liên tục giảm, từ 1 tấn/ha giảm xuống còn vài tạ. Riêng năm 2017, năng suất đạt 800kg/ha do ra bông muộn so với thời gian thông thường. Khi năng suất giảm, nhiều gia đình chặt bỏ hết vườn điều chuyển sang trồng keo lá tràm và diện tích canh tác điều giảm 42,11%, tương ứng còn 550 ha (2017).

Không riêng gì xã Thiện Nghiệp có diện tích canh tác điều giảm, mà tại xã Suối Kiết (Tánh Linh), diện tích cây điều hiện nay còn 100 ha, giảm 1/2 số diện tích so với trước năm 2005 (hơn 200 ha). Chính vì năng suất thấp, thay vì tiếp tục cải tạo duy trì thì người nông dân chặt bỏ và trồng cao su, keo lá tràm.

Tìm hiểu thêm thông tin, ông Nguyễn Hữu Chí (Chủ tịch UBND xã Mê Pu – Đức Linh) than phiền: “Nông dân Mê Pu thâm canh sống nhờ cây điều trong suốt thời gian qua. Giá điều năm 2017 khá cao so với các năm trước, nhưng nông dân không có thu nhập bởi điều đang ra hoa, đơm nụ gặp mưa, sương muối kết hợp dịch bọ xít dẫn đến tỷ lệ đậu quả chỉ đạt khoảng 20% so với năm trước; nhiều hộ mất trắng. Với sản lượng 1 tấn/ha gần như mất trắng trên tổng diện tích hơn 1.800 ha, giá bán 35.000 đồng/kg; như tính toán, toàn xã thất thu từ điều hàng chục tỷ đồng. Hiện, không ít nông dân vẫn còn nợ tiền phân thuốc từ các đại lý”. 

Già cỗi

Ông Quân cho biết thêm: “Phần lớn diện tích điều được trồng trên đất xấu, độ dốc, không có nước tưới, khó có điều kiện thâm canh. Bên cạnh đó, lượng điều trồng trên đất lâm nghiệp gần như không chăm sóc thì giai đoạn đầu cây điều kém phát triển. Với những vườn điều thâm canh không nhiều, người dân chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật; chủ yếu phó thác cho tự nhiên và chờ ngày thu hoạch”.

Theo thống kê, tổng số hơn 300.000 ha điều của cả nước, tập trung phân bố ở 9 tỉnh gồm Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận… Trong đó, 29,5% diện tích điều già cằn trên 20 năm tuổi, 39,2% diện tích điều bị sâu bệnh, trồng phân tán bị năng suất thấp. Trên 65% diện tích điều hiện nay được trồng bằng giống chất lượng kém, dễ nhiễm sâu bệnh, ra hoa tập trung trong thời gian ngắn, dễ bị ảnh hưởng khi gặp mưa trái vụ, sương muối cho nên ít đậu quả. 

Ghép chồi tăng năng suất

Với tình hình chất lượng cây điều giảm sút, các nông dân trồng điều tại huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) có sáng tạo ghép cải tạo vườn điều. Bằng cách, chọn những cây điều chất lượng nổi trội, hạt to đều, năng suất cao, ít sâu bệnh, tỷ lệ nhân cao từ 30% trở lên để lấy chồi ghép vào những cây điều già cỗi, ít hạt hoặc hạt quá nhỏ, sau đó mới tỉa cành. Với kiểu ghép này, số cây điều/ha là 200 cây, hàng cách hàng 5m, cây cách cây 10m, giúp việc thu hoạch sẽ không bị gián đoạn vì không cưa cây; tỷ lệ nhân đạt từ 30 - 32%, năng suất cao khoảng 3 tấn/ha, ít sâu bệnh.

 Khâu tiến hành ghép cải tạo vào cuối tháng 4 đến cuối tháng 8 âm lịch. Kết thúc mỗi một ngày ghép, cần tiến hành phun để phòng trừ ngay các côn trùng và sinh vật gây hại vết ghép và chồi ghép như kiến, bọ xít muỗi, bọ đục chồi…  Sau đó, mô hình ghép cải tạo vườn điều già cỗi như trên được nhân rộng nhiều nơi, giúp người nông dân tăng năng suất, nâng chất lượng hạt điều gấp 3 lần so với trước đây; mà không gây ảnh hưởng đến nguồn thu nhập trong quá trình thực hiện ghép. Nếu trồng mới, người nông dân sẽ không có thu nhập trong 5 - 6 năm đầu.

Để khoảng 18.000 ha điều Bình Thuận phát triển bền vững mang lại giá trị sản lượng, thu nhập cao cho nông dân, thông qua cách làm của tỉnh bạn, các ngành liên quan giúp nông dân cải tạo vườn điều, học tập phương pháp ghép điều của Bình Phước. Song song đó, với vườn điều già cỗi, năng suất thấp, sâu bệnh nặng cần phải trồng tái canh bằng giống điều mới chất lượng cao theo phương thức đồng loạt hoặc cuốn chiếu phù hợp với khả năng của từng vùng, từng hộ.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh thăm chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), chiều 23/4, đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn TP. Phan Thiết.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ghép chồi trẻ hóa vườn điều già