Theo dõi trên

Giá tiêu dùng bắt đầu tăng nhẹ

07/01/2019, 11:31

BT- Còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhưng mấy ngày nay giá một số mặt hàng tiêu dùng bắt đầu nhích dần.

                
Do ảnh hưởng mưa bão, giá rau tại các chợ    cũng tăng nhẹ.

 Nhiều mặt hàng tăng giá

Thời gian gần đây, thời tiết thất thường, ảnh hưởng mưa bão ghe tàu không ra khơi được nên nguồn hải sản về chợ giảm. Giá các loại hải sản đã tăng thêm từ 10 ngàn đến 20 ngàn đồng/kg từ hơn 1 tháng trước. Dự báo vào dịp Tết Nguyên đán, giá sẽ còn tăng mạnh từ 5-10%. Dạo quanh 1 số chợ như: chợ Phan Thiết, Phú Thủy, hải sản không dồi dào như trước và giá nhích nhẹ. Hiện ghẹ xanh có giá dao động từ 180.000 - 400.000 đồng/kg tùy loại; mực ống loại 1 giá 280.000 đồng/ kg, loại 2 giá 200.000 đồng/kg; tôm sú loại 18 con/kg có giá 280.000 đồng/kg, loại 2 có giá 180.000 đồng/kg; bạch tuộc loại lớn giá 150.000 đồng/kg; loại nhỏ 90.000 - 120.000 đồng/kg; ốc hương có giá 350.000 - 400.000 đồng/kg...

Không chỉ thủy hải sản, các mặt hàng rau, củ, gia vị… cũng bắt đầu “đội” giá, với mức tăng trung bình từ 2.000 - 5.000 đồng/kg, tùy loại. Nguyên nhân là do mưa nhiều, rau củ tại các vườn bị ngập úng, hư hại, trong khi đó giá đầu vào của các mặt hàng gia vị cũng tăng. “Từ giữa tháng 12, tôi đã bắt đầu nhập hàng chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán. Trong dịp Tết, các mặt hàng như miến, măng khô, gia vị sẽ tăng nên tôi lấy tăng thêm 10% so với lượng hàng bán hàng ngày. Giá các mặt hàng cũng đã tăng từ 3.000 - 10.000 đồng từ giữa tháng 12 và dự báo sát Tết sẽ tăng thêm khoảng 5 - 10%. Hiện sức mua cũng đã tăng nhẹ”, chị Nguyễn Thị Tám, tiểu thương kinh doanh tạp hóa tại chợ Phú Thủy cho biết.

                
   
Dự báo mặt hàng gia vị sẽ tăng từ 5 - 10%    trong dịp tết.

 Đảm bảo nguồn cung

Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện nay, các siêu thị, cửa hàng tiện ích, tiểu thương các chợ truyền thống đều đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Mức dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường tết năm nay gần 150 tỷ đồng, tập trung nhiều ở các mặt hàng như gạo, dầu ăn, bột ngọt, đường các loại, mì tôm, thực phẩm chế biến, thịt, rau củ, bánh kẹo… Thời gian thực hiện chương trình bình ổn dự kiến kéo dài từ tháng 11/2018 đến đầu tháng 3/2019, với giá bán bình ổn bằng hoặc thấp hơn 5 - 10% so giá thị trường tại từng thời điểm của sản phẩm có cùng quy cách, chất lượng.

Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, theo quy luật vào những tháng cuối năm thị trường tiêu dùng hàng hóa sẽ sôi động, khi người dân tập trung thu nhập tích lũy trong năm vào việc chi tiêu mua sắm hàng Tết. Nguồn cung lương thực và thực phẩm cơ bản bảo đảm nhu cầu xã hội. Giá cả dự báo sẽ tăng, chủ yếu ở các mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ, quả... Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, Sở Công thương đã chỉ đạo Phòng Quản lý Thương mại chủ trì, phối hợp Chi cục Quản lý thị trường theo dõi, đánh giá cung, cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm; tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến đóng gói thực phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm với các cơ sở kinh doanh, phân phối thực phẩm sạch tạo nguồn hàng phục vụ Tết.

Trong dịp này, Ban quản lý tại các chợ, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác hàng hóa, gian lận thương mại, VSATTP tại các chợ, trung tâm mua sắm trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa.

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá tiêu dùng bắt đầu tăng nhẹ