Theo dõi trên

Giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm: Thành công nhờ gần dân

25/04/2018, 08:34 - Lượt đọc: 18

Bài 2: Hùng Vương - bật sáng vùng tối

Bài 3:Sân bay, đường cao tốc: dự án nào cán đích?

BT- Nếu 2 dự án đường Lê Duẩn, Hùng Vương là điển hình cách giải quyết của UBND tỉnh trong việc giải phóng mặt bằng. Ở đó, thể hiện sự hài hòa tình và lý, chính sách, chủ trương với thực tế cuộc sống. Nguyện vọng chính đáng của người dân được ghi nhận, được bù đắp xứng đáng và đúng nguyên tắc luật pháp. Từ đây, cũng là tiền đề tạo nên bước đột phá cho 2 dự án quan trọng khác ở địa phương: cao tốc và sân bay. Hứa hẹn để Bình Thuận sẽ là vùng kinh tế trọng điểm tương lai.

                
      
   Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và ông Huỳnh    Văn Tí - nguyên Bí thư Tỉnh ủy tại buổi lễ khởi công sân bay Phan    Thiết.

Cao tốc - cần sự đồng thuận của dân

Nếu nói thời gian qua Bình Thuận trở thành tâm điểm của không ít dự án lớn, chẳng có gì là quá. Khi mọi thứ về bộ máy quản lý nhà nước đã có những chuyển biến khá rõ nét. Việc ra đời của Trung tâm Hành chính công đã góp phần ghi điểm cho không ít nhà đầu tư. Hiện nay, Bình Thuận còn 2 dự án lớn mang tầm quốc gia, một là sân bay Phan Thiết và kế đến là đường cao tốc.

Trong cuộc họp mới nhất, UBND tỉnh tiếp tục làm việc về dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận. Ông Nguyễn Ngọc Hai – Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định với các địa phương và các bên liên quan rằng: Các sở, ngành, địa phương cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ triển khai trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn chuẩn bị và sau nhiều lần thay đổi, đường bộ cao tốc Bắc – Nam sẽ chia thành 2 đoạn: Vĩnh Hảo – Phan Thiết (Ban quản lý dự án 7) và đoạn Phan Thiết – Dầu Giây (Ban quản lý dự án Thăng Long) làm chủ giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Theo đó, đã có những điều chỉnh nhất định về hướng tuyến, các nút liên thông, các hầm dân sinh và đường gom của 2 dự án theo đề xuất của đơn vị tư vấn.

Về dự án cao tốc, các địa phương Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, TP. Phan Thiết và Hàm Thuận Nam là các nơi dự án đi qua cũng đã phối hợp đơn vị tư vấn, các Ban QLDA cập nhật điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất 2018 của địa phương, trên cơ sở đó cập nhật các dự án, công trình đường cao tốc đi qua. “Vì đây là giai đoạn chuẩn bị cho dự án, lưu ý các địa phương cần phải xem công tác tuyên truyền, vận động, tham vấn cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng, cần quan tâm đẩy mạnh nhằm tạo sự đồng thuận của người dân, tạo thuận lợi triển khai dự án. Theo tìm hiểu, hiện tại các địa phương đã rà soát, lập phương án thu hồi đất, chính sách đền bù giải tỏa… Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý đất đai trong vị trí và hành lang dự án đi qua, không để người dân sang nhượng đất trái phép, trồng cây… gây khó khăn cho công tác đền bù giải tỏa” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của Ban quản lý dự án 7 và Ban quản lý dự án Thăng Long, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 6 nút giao liên thông gồm các nút: Vĩnh Hảo, Liên Hương, Chợ Lầu, Đại Ninh, Ma Lâm, Phan Thiết, và 4 cầu vượt trên các tuyến đường qua đường cao tốc; 51 cống chui dân sinh; tổng chiều dài đường gom 144,67 km. Toàn tuyến có 91 vị trí cắt qua kênh thủy lợi hiện có, kênh thủy lợi quy hoạch, kênh chuẩn bị thi công. Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có gần 160 km, đi qua 5 huyện và 29 xã. Gồm 2 nút giao liên thông kết nối với 2 địa phương, tại lý trình km27+400 kết nối với đường QL55 và lý trình Km1+550 kết nối với đường ĐT.720. Toàn tuyến có 9 hầm chui dân sinh, chiều dài đường gom 30.122,79m. Ngoài ra, tại cuộc họp, Ban quản lý dự án 7 cũng đề nghị UBND tỉnh thống nhất điều chỉnh một số hướng tuyến cho phù hợp với thực tế.

Ông Đỗ Thanh Lịch, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Hàm Thuận Nam cho biết: Về phía địa phương chúng tôi nghĩ rằng, đây là dự án góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho các huyện nói riêng và cả tỉnh nói chung. Khi dự án hình thành, các vùng sản xuất thanh long sẽ thuận lợi trong giao thương, giá trị đất sẽ tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay có một số khó khăn ở địa phương có dự án đi qua, một số nơi sản xuất đã phân vùng, có hệ thống tưới, hệ thống điện sẽ bị chia cắt, giờ phải thay đổi, do đó dù rằng trong thiết kế của dự án, cứ 500m sẽ có một cống hộp dẫn nước nhưng có cống hộp vẫn phải đấu nối, làm lại từ đầu, hệ thống tưới của nhiều vùng sản xuất thanh long sẽ được đền bù ra sao? 

Sân bay - nâng tầm du lịch

Dự án sân bay Phan Thiết được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt vào năm 2013. Đây là dự án sân bay dân dụng quân sự kết hợp và UBND tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục dân dụng. Theo thiết kế, đây sẽ là cảng hàng không quốc nội cấp 4E, với một đường cất cánh 3.050m, nhà ga có công suất 2 triệu khách/năm, với tổng diện tích 543 ha. Và đến thời điểm này, mọi thủ tục đã xong. UBND tỉnh và Bộ Quốc phòng đang gấp rút thực hiện các thủ tục để có thể thi công trong năm 2018. Nằm ở Thiện Nghiệp, một xã khó khăn của TP. Phan Thiết, nhưng bây giờ Thiện Nghiệp có thể tự tin để vực dậy kinh tế ở vùng trũng kinh tế. “Để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng cho dự án này cũng nhiêu khê bởi đây là vùng đất bà con chủ yếu làm nông nghiệp, hộ chính sách cũng nhiều. Chưa kể, khi dự án manh nha, không ít trường hợp đã sang nhượng, mua bán đất. Nhưng bằng sự minh bạch và quan trọng hơn dự án hình thành sẽ là một bước đột phá cho vùng đất này” - ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

Bà Nguyễn Lan Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Du lịch chia sẻ: Đây là thời cơ cho du lịch. Có sân bay sẽ mở ra sự phát triển trong liên kết với các địa phương trong vùng tam giác du lịch. Du khách trong và ngoài nước sẽ tiết kiệm thời gian, thuận tiện và thoải mái, không phải vất vả như trước. Tôi hy vọng dự án sớm được thi công để du lịch Bình Thuận có thể sánh ngang cùng các địa phương khác.

Có thể nói đến giờ này, các dự án đường Hùng Vương, Lê Duẩn, sân bay Phan Thiết đã thành công trong giải phóng mặt bằng, duy chỉ còn dự án đường cao tốc mới bắt đầu. Đưa chính sách vào cuộc sống nghe chừng đơn giản, nhưng chính sách có phát huy hiệu quả hay không còn đòi hỏi quy trình thực hiện phù hợp, cụ thể, mà cốt yếu là cách vận hành bộ máy, sự phối hợp nhịp nhàng trong từng dự án, trong từng hoàn cảnh sống của người dân mà ắt thành.

    
      “Thành công nhờ vào sự minh bạch trong quá trình thực hiện. Mọi chủ   trương chính sách khi đưa ra phải phù hợp với tâm tư, nguyện vọng chính   đáng của người dân. Chúng ta gần dân để hiểu khó khăn của họ, gần dân sẽ   giúp dân hiểu về tầm quan trọng của mỗi dự án mà địa phương đang thực   hiện, để dân hướng đến sự nhất trí, đồng thuận và ủng hộ” – ông Phạm Văn Nam – Phó Chủ tịch   UBND tỉnh.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm: Thành công nhờ gần dân