Theo dõi trên

“Hậu kiểm” doanh nghiệp

22/03/2018, 08:20

BT- Theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư, năm 2017 toàn tỉnh có 716 doanh nghiệp và 457 chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm kinh doanh được cấp đăng ký mới, con số này lần lượt tăng 25,4% và 19% so với năm trước đó. Như vậy tính đến thời điểm đầu năm 2018, trên toàn địa bàn Bình Thuận đã có 5.624 doanh nghiệp được thành lập, với tổng vốn đăng ký gần 75.950 tỷ đồng. Cũng trong năm qua, việc “hậu kiểm” đã được các đơn vị chức năng chú trọng đẩy mạnh nhằm thực hiện tốt công tác quản lý đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

                
      
   Thời gian qua, công tác "hậu kiểm" doanh    nghiệp trên lĩnh vực môi trường được các cơ quan chức năng chú trọng    kiểm tra.

Tham gia công tác này, Sở Kế hoạch - Đầu tư tiến hành đăng ký, cập nhật thông tin của doanh nghiệp ở địa phương trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia. Theo đó các thông tin về doanh nghiệp Bình Thuận như: Thông báo mẫu dấu, bố cáo thành lập hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh… đều được đăng tải trên mạng. Ngoài ra Sở Kế hoạch - Đầu tư còn phối hợp cung cấp thông tin, xác minh tình trạng pháp lý doanh nghiệp cho Cục Thi hành án, Tòa án nhân dân, cơ quan công an và các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu. Đồng thời qua thông tin doanh nghiệp, hầu hết sở ngành trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng phương án, phương tiện trao đổi với các đơn vị liên quan cũng như công khai thông tin tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định…

Thực hiện kế hoạch, năm vừa qua ngành thanh tra địa phương triển khai 235 cuộc thanh tra và đã kết thúc 225 cuộc, qua đó phát hiện sai phạm trong quản lý kinh tế là 9,7 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 5,9 tỷ đồng. Riêng thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra việc khai thác khoáng sản của 40 doanh nghiệp và truy thu số tiền 3,2 tỷ đồng do kê khai nộp phí bảo vệ môi trường, thuế suất thuế tài nguyên không đúng… Đối với cơ quan Công an tỉnh cũng triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ở một số lĩnh vực như về môi trường đã phát hiện 279 vụ vi phạm, tham mưu cấp thẩm quyền xử phạt hơn 3,6 tỷ đồng. Trong khi đó ở lĩnh vực kinh tế thì kiểm tra, xử lý 24 vụ vi phạm pháp luật về vận chuyển hàng hóa không có nguồn gốc, gian lận thương mại, kinh doanh không đảm bảo thủ tục… nên xử phạt vi phạm hành chính gần 820 triệu đồng, ngoài ra còn truy thu thuế và tịch thu tang vật, bán đấu giá nộp ngân sách 335 triệu đồng. Ở lĩnh vực an ninh trật tự, lực lượng chức năng cũng xúc tiến kiểm tra 1.178 cơ sở cho thuê lưu trú, kinh doanh karaoke, massage, cầm đồ… và kịp thời phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 82 trường hợp với số tiền gần 143 triệu đồng. Bên cạnh còn tổ chức kiểm tra 1.434 lượt cơ sở nguy hiểm về cháy nổ, qua đó hướng dẫn phần lớn các cơ sở khắc phục những trường hợp thiếu sót về công tác phòng cháy chữa cháy.

Thực tế tại Bình Thuận, số lượng doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện bị xử phạt hành chính tương đối lớn. Như trong năm 2017 có rất nhiều trường hợp “dính” vi phạm với số tiền xử phạt hành chính là hơn 6,8 tỷ đồng, nhưng số doanh nghiệp bị cơ quan chức năng thu hồi, rút, đình chỉ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề chỉ… 2 trường hợp. Và cũng chỉ có 1 trường hợp được cơ quan đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh… Điều này cho thấy công tác “hậu kiểm” của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn những tồn tại cần được khắc phục, việc giải quyết các vi phạm cần tiến hành triệt để hơn. Bởi thời gian qua, một số doanh nghiệp đã tìm cách lách luật, trốn tránh việc thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm đạt mục tiêu về kinh tế, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm… Thêm nữa là tại khoản 2 - Điều 62 Nghị định 78 (ngày 14/9/2015) của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp có nêu: “Trình tự, thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quyết định của tòa án được thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Thế nhưng đến nay lại chưa có hướng dẫn cụ thể về điều này, do vậy Bộ Kế hoạch - Đầu tư sớm xem xét và có hướng dẫn để tạo điều kiện cho các địa phương triển khai đem lại hiệu quả.

    
  

  Đề xuất xử   phạt 44 trường hợp ở lĩnh vực xuất nhập cảnh

    Trong năm qua trên địa   bàn Bình Thuận, Công an tỉnh và Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành   kiểm tra, đề xuất xử phạt 44 trường hợp là người nước ngoài làm việc,   lưu trú tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm quy định trong lĩnh   vực xuất nhập cảnh với số tiền phạt hơn 832 triệu đồng.

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Hậu kiểm” doanh nghiệp