Theo dõi trên

Hiểu nhu cầu cộng đồng giúp quyết định thành công dự án

27/12/2018, 09:33 - Lượt đọc: 13

BT- Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, nhiều chương trình, dự án về nước, biến đổi khí hậu được triển khai tại Bình Thuận. Trong đó, Dự án quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu” tỉnh (dự án) được thực hiện nhiều năm qua, đến nay dự án đạt rất nhiều kết quả mong đợi giúp hàng ngàn hộ dân được hưởng lợi. Phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với ông Phan Nguyễn Hoàng Tân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh - Giám đốc Ban điều phối dự án, để hiểu thêm nội dung này.  

Được biết dự án được triển khai nhằm hỗ trợ xây dựng năng lực thể chế tại tỉnh Bình Thuận trong việc quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu (BĐKH). Vậy ông nói cụ thể hơn các hoạt động của dự án?

Dự án thật sự là một nỗ lực góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Thuận mà mục tiêu cụ thể là: Hỗ trợ năng lực thể chế trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với BĐKH tại tỉnh Bình Thuận được xem như thành công nếu có được 4 kết quả. Đó là năng lực của cơ quan có thẩm quyền của tỉnh về BĐKH, quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị được nâng cao cùng với việc xây dựng một cơ chế giám sát và đánh giá phù hợp. Cụ thể là một chiến lược xây dựng năng lực được thực hiện cho mục tiêu này, bao gồm: tập huấn, hội thảo, tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp xúc trực tiếp với các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan, từ chuyên môn cho đến pháp lý…Qua đó, giúp các cơ quan thẩm quyền liên quan có cơ hội hoàn thiện chuyên môn hơn, từ đó, giúp quá trình tham mưu, ra quyết định điều hành các vấn đề quản lý nguồn nước và phát triển đô thị được chính xác, khoa học, nhanh và hiệu quả hơn.

Tiếp theo dự án đã xây dựng một chiến lược toàn diện về BĐKH. Để đạt mục tiêu này, dự án có sự hỗ trợ mạnh từ các chuyên gia Bỉ. Với cách tiếp cận khoa học, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu từ khảo sát kinh tế - xã hội, hành vi của cộng đồng, mức độ năng lực (TICA) của hệ thống chính quyền của khu vực, cho đến đặc tính của sông Lũy (Bắc Bình) như xâm ngập mặn, xói lở bờ biển, sạt lở sông, đánh giá mặt nước ngầm, thủy lực thủy văn, nghiên cứu về biến đổi khí hậu, ngoài ra còn có các nghiên cứu về mô hình nông nghiệp thích ứng với BĐKH, hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai, nghiên cứu quy hoạch đô thị ven sông… Tóm lại, chiến lược toàn diện là cơ sở bổ sung quan trọng sẽ được tích hợp vào chiến lược chung của tỉnh Bình Thuận.

Ngoài ra dự án triển khai các hoạt động thí điểm ưu tiên để rút kinh nghiệm. Dự án có cách tiếp cận từ dưới lên, theo đó từ ban đầu dự án đã khảo sát, phỏng vấn người dân trong cộng đồng, cán bộ… các cấp ở địa phương. Từ đó, tìm ra điểm “ưu tiên” về nhu cầu cộng đồng, đây được xem là yếu tố quyết định sự thành công của dự án. Nó được lập lại để có các điều chỉnh phù hợp, cập nhật hơn trong quá trình thực hiện triển khai để tất cả hoạt động.

Cuối cùng là chiến lược BĐKH của tỉnh được hỗ trợ qua sự tham gia tích cực của cộng đồng và khu vực tư nhân. Quá trình thực hiện dự án thông qua khảo sát, nghiên cứu, ứng dụng, chiến lược BĐKH của tỉnh được bổ sung bởi chính người dân và các nhà khoa học, ngoài ra với chiến lược truyền thông song song trong quá trình thực hiện đã giúp cho kênh thông tin này được đảm bảo. Đây thực sự là sự hỗ trợ tích cực của các bên liên quan đến chiến lược của tỉnh.

Đến thời điểm này, tiến độ thực hiện các hoạt động nằm trong dự án có như mong đợi và kết quả ra sao? 

Về tổng quát thì chúng tôi đã hoàn tất hơn 90% tiến độ dự án, so với mục tiêu là tháng 3/2019 thì chúng tôi chắc chắn hoàn thành về số lượng cũng như chất lượng.

Với tinh thần sử dụng cao nhất hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ chúng tôi luôn tập trung và làm tốt trọng trách do tỉnh giao, đảm bảo uy tín với nhà tài trợ và đặc biệt là sự hưởng lợi của người dân. Đến nay hầu hết các nghiên cứu đã hoàn tất, bước đầu đưa các kết quả này vào chiến lược chung của tỉnh, đưa vào các quy hoạch cho đô thị, cụ thể như thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong) đưa nhiều khuyến cáo quan trọng, quy hoạch thoát nước thị trấn Chợ Lầu, bản đồ khu vực dễ tổn thương do biến đổi khí hậu… sẽ là nguồn tham khảo quan trọng và duy nhất cho đến nay. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung đánh giá và đưa ra bài học kinh nghiệm để làm tài liệu tham khảo cho các dự án.

 Khi dự án hoàn thành các hộ dân nằm trong dự án được hưởng lợi ra sao?

Người dân trong vùng được hưởng lợi trước mắt và lâu dài từ dự án, như đã nói, dự án tập trung vào các hoạt động thí điểm ưu tiên của cộng đồng, cho nên hầu hết các nghiên cứu, công trình…đều mang lại lợi ích cho cộng đồng. Người dân cũng dễ dàng nhận ra lợi ích của các công trình như hệ thống kè sông Lũy, trục tiêu và thoát lũ sông Đồng… các điểm sạt lở trọng yếu không còn uy hiếp người dân hay khu vực Phan Hòa, Phan Rí Thành (Bắc Bình) đã được thoát nước lũ trên sông Đồng nhanh hơn bình thường, thời gian ngập rút ngắn đi rất nhiều, điều này giúp người dân tránh các thiệt hại về sản xuất và tài sản… Khu vực ven thị trấn Chợ Lầu, Lương Sơn cũng được hạn chế ngập lụt nhờ hệ thống thoát nước của dự án. Mặt khác khu vực thị trấn Lương Sơn giờ đây đã có nguồn nước đảm bảo vệ sinh để sinh hoạt và sử dụng sau thời gian rất dài thiếu nước sạch, điều này cũng sẽ tương tự cho nhiều hộ dân khu vực Bình An, Sông Bình.  Ngoài ra trong hợp phần truyền thông và nâng cao năng lực, dự án đã tiếp cận thành công với hệ thống chính quyền từ tỉnh, huyện, xã, trường học, học sinh, nông dân, thành viên phụ nữ, thanh niên trong cộng đồng từ đó chuyển tải thông điệp của dự án về sự khan hiếm của nguồn nước, sự nhận thức lâu dài cho thế hệ tương lai. Người dân có cơ hội tham khảo các hậu quả của việc sử dụng nước, phát triển đô thị thiếu bài bản, cũng như tự xem lại các hành vi chưa tốt của chính gia đình mình, cách mà mỗi cá nhân nên làm để bảo vệ lợi ích chung. Riêng các nghiên cứu khoa học, khuyến cáo quy hoạch, hệ thống cảnh báo sớm, truyền thông… người dân ít thấy hiệu quả trực tiếp, nhưng nó thật sự mới là các thành tựu quan trọng vì nó giúp chính quyền địa phương đưa ra các quyết định một cách hiệu quả trong quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với BĐKH. Hiệu quả của nó mang tính lâu dài và bao quát, bền vững. Dĩ nhiên về cá nhân tôi rất mong muốn có nhiều lợi ích hơn nữa cho cộng đồng của mình, nếu có cơ hội và nguồn lực phù hợp.

Cám ơn ông!

H.Châu (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiểu nhu cầu cộng đồng giúp quyết định thành công dự án