Theo dõi trên

Hiệu quả chuyển đổi cây trồng chống hạn

01/05/2018, 09:37 - Lượt đọc: 9

BT- Chủ động chuyển đổi sang cây trồng cạn, theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện Đức Linh mùa khô năm nay sản xuất nông nghiệp vẫn tương đối ổn định, đảm bảo nước tưới.

                
Mô hình trồng khổ qua lấy hạt ở Mê Pu.

Chọn cây trồng đúng…

Việc chủ động chuyển một diện tích lúa nước sang cây trồng cạn là giải pháp “đón đầu” hợp lý, tránh tình trạng bỏ phí đất sản xuất do thiếu nước hoặc sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng ít cần nước, nhưng có giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Minh Nghị - Phó Phòng Nông nghiệp huyện Đức Linh, cho hay: “Để ứng phó với diễn biến khó lường của thời tiết, đặc biệt là tình trạng hạn hán xảy ra gay gắt vào đỉnh điểm mùa khô. Từ đầu năm đến nay toàn huyện đã chuyển đổi 1.346 ha đất trồng lúa không thể sản xuất do thiếu nước, đất trồng lúa không mang lại hiệu quả sang cây trồng cạn. Cụ thể, chuyển đổi 350 ha sang đậu phộng; 58 ha sang cây đậu các loại (đậu xanh, đậu đỏ); 693 ha bắp trên cánh đồng lúa xã Mé Pu, Sùng Nhơn, Đa Kai; 20 ha sang cây củ sắn, 7 ha trồng dâu nuôi tằm, 182 ha sang trồng dưa hấu, 42 ha sang trồng rau ăn lá và các loại rau ăn quả như: bí đỏ, đậu đũa, rau muống, mướp, khổ qua lấy hạt giống. Nhìn chung các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa đều cho năng suất, giảm chi phí đầu tư, hiệu quả cao hơn so với trồng lúa”.  Đơn cử, xã Sùng Nhơn chuyển đổi thành công 7 ha đất lúa sang phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm với 9 hộ tham gia. Theo các hộ tham gia mô hình cho biết, bình quân 1.500 m2 cây dâu thì nuôi được 1 hộp tằm, sau 17 ngày thu hoạch, cho ra 60 ký kén, giá bán 180.000 đồng/kg. Sau hơn 1 năm trồng thử nghiệm, hầu hết các hộ dân trồng dâu, nuôi tằm, bán kén đều có lãi hơn 100 triệu đồng/ha. Tuy hiệu quả cao nhưng việc nhân rộng mô hình khó khăn vì hiện vẫn chưa có đầu ra ổn định, hộ nuôi chưa có ký kết hợp đồng trực tiếp với công ty thu mua mà chỉ bán qua lái trung gian ở Phương Lâm - Đồng Nai. Hay mô hình chuyển đổi cây củ sắn (củ đậu) trên đất lúa ở xã Đức Tín cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã chuyển đổi 20 ha trồng cây củ sắn, năng suất 60 tấn/ha. Trong Tết Nguyên đán vừa qua với giá bán 5.500 đồng/kg cho lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha/ vụ. Ngoài ra, hiện xã Đức Tín đang triển khai mô hình trồng bưởi da xanh 4,5 ha/9 hộ ở khu vực đất gò cao ven sông ngoài đê bao bước đầu đánh giá hiệu quả. Theo định hướng thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này lên đến 20 ha.

 Đẩy mạnh  liên kết tiêu thụ

Có thể khẳng định, việc chuyển sang cây trồng cạn đang có những thuận lợi nhất định nhờ sự quan tâm của địa phương. Cùng với đó là qua thực tế mỗi mùa vụ, người nông dân thu nhập ngày một cao, nên tích cực tham gia vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên mảnh đất của mình. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn còn khó khăn nhân rộng do chưa có sự liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp khó thu mua được sản phẩm chất lượng tốt với khối lượng lớn cùng thời điểm.

Thực tế cho thấy việc tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ vì mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân mà phải tuân theo cơ chế thị trường. Mặt khác cần phải chú trọng chuyển từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế. Việc xây dựng được các mô hình cây trồng cạn thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng tạo nền tảng vững chắc cho tái cơ cấu nền nông nghiệp để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững. Do đó, huyện đặc biệt quan tâm đến liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Cụ thể, đến nay huyện đã ký liên kết với Công ty giống cây trồng ViNo thực hiện 7 ha các loại bí đỏ, khổ qua, đậu đũa, bầu... lấy hạt giống ở Đức Tín và Mé Pu. Qua thu hoạch của các hộ dân, cho thấy hiệu quả khá cao, lợi nhuận trên 10 triệu đồng/sào/vụ. Đối với cây bắp đã liên kết sản xuất bắp với Công ty XNK Vạn Thắng diện tích 70 ha ở Đa Kai và Sùng Nhơn, hiện tại đang tiến hành thủ tục thu mua. Ngoài ra, huyện hiện liên kết sản xuất nếp chất lượng cao với HTX Công Thành - Đức Linh bao tiêu sản phẩm trong vụ đông xuân với diện tích 550 ha, chủ yếu ở các xã Đức Tài, Đức Chính, Nam Chính, ngoài ra còn mở rộng thêm ở xã Vũ Hòa 32 ha, năng suất 70 tạ/ha, giá ký hợp đồng trên 5.000 đồng/kg…

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả chuyển đổi cây trồng chống hạn