Theo dõi trên

Hình thành Trung tâm năng lượng Bình Thuận: Chú trọng phát triển năng lượng “sạch”

20/03/2017, 08:33

BT- Việc hình thành Trung tâm năng lượng Bình Thuận được xác định gắn liền chiến lược phát triển năng lượng vùng và toàn quốc cũng như hài hòa với sự phát triển của các ngành kinh tế khác ở địa phương. Theo đó, địa phương sẽ tập trung khai thác đồng bộ, bền vững đi đôi với đa dạng hóa các nguồn năng lượng, nhất là năng lượng “sạch” mà Bình Thuận nắm giữ nhiều lợi thế như điện gió, điện mặt trời…

                
      
Điện gió - một trong những nguồn năng lượng    “sạch” có tiềm năng và lợi thế phát triển ở Bình Thuận.    

Đa dạng hóa các nguồn năng lượng cũng là một trong những chiến lược năng lượng quan trọng của chính sách năng lượng Việt Nam, thông qua đó đảm bảo an ninh cho quốc gia về vấn đề này. Trong khi đó, Trung tâm năng lượng Bình Thuận hiện được xem là trung tâm năng lượng duy nhất của cả nước không những lớn về quy mô công suất (dự kiến đạt hơn 10.000 MW), mà còn đa dạng các nguồn phát điện. Đặc biệt, Bình Thuận là một trong các địa phương có tiềm năng năng lượng gió và năng lượng mặt trời cao nhất tại Việt Nam, vì vậy cần đề xuất đưa vào danh mục quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo quốc gia… Tuy nhiên dù được địa phương chú trọng, nhưng thời gian qua tình hình triển khai các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh hầu như chưa tạo bước đột phá đáng kể nào. Mà theo giới chuyên ngành, nguyên nhân dẫn đến tồn tại chủ yếu là do thiếu một khung pháp lý đủ mạnh và rõ ràng về ưu đãi đầu tư, vay vốn, các sắc thuế (thuế xuất nhập khẩu thiết bị năng lượng sạch, thuế thu nhập doanh nghiệp cho đối tượng này)… Hay như giá điện gió mặc dù đã được trợ giá, song vẫn chưa tương xứng với chi phí sản xuất năng lượng tái tạo để khuyến khích ngày càng nhiều nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn khai thác và phát triển năng lượng “sạch”.

Chỉ tính riêng lĩnh vực điện gió, đến đầu năm 2017 trên địa bàn Bình Thuận có 19 dự án với tổng công suất đăng ký lắp đặt 1.142,5 MW, trong đó 6 dự án đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Còn lại 10 dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của Sở Kế hoạch - Đầu tư và 3 dự án đang giai đoạn khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư trình cơ quan chức năng… Theo ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, tiềm năng gió ở Việt Nam có khả năng sản xuất ra khoảng 10.000 MW, trong đó Bình Thuận chiếm đến 1/3 sản lượng điện gió cả nước. Với một lĩnh vực mới và là địa phương đi trước trong khai thác điện gió, nhưng vì những nguyên nhân trên nên không ít dự án tại địa phương thực hiện còn chậm tiến độ so yêu cầu đề ra…

Để khai thác hiệu quả năng lượng “sạch” và góp phần hình thành Trung tâm năng lượng Bình Thuận đi vào hoạt động hiệu quả, vấn đề giá mua điện cần được địa phương tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương xem xét, giải quyết hợp lý. Đồng thời cấp thẩm quyền cũng cần làm rõ những cơ chế ưu đãi một cách cụ thể, từ đó giúp nhà đầu tư có cơ sở tính toán, triển khai các dự án điện năng lượng tái tạo để đem lại tính khả thi cao. Ngoài ra cũng cần tính tới lập Quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm điện gió, điện mặt trời… tạo cơ hội thu hút nhà đầu tư đưa nhiều dự án quy mô đến Bình Thuận.

    
  

  Giá mua   điện gió thấp hơn giá thành đầu tư

    Hiệp hội   Điện gió Bình Thuận cho biết, hiện nay giá bán điện gió theo quy định   tại Quyết định số 37, ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế   hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Trong đó giá mua là   7,8 US cent/kWh (được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD) dù   được Chính phủ ưu tiên trợ giá nhưng vẫn còn thấp so với giá thành đầu   tư. Do vậy chưa đủ sức hấp dẫn và thu hút các tổ chức tài chính tín dụng   tham gia cho vay vốn để triển khai dự án, dẫn đến các nhà đầu tư điện   gió thực hiện cầm chừng, kéo dài để khi tiếp cận được nguồn vốn vay mới   bắt đầu đẩy nhanh tiến độ…

 QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hình thành Trung tâm năng lượng Bình Thuận: Chú trọng phát triển năng lượng “sạch”