Theo dõi trên

Hoàn thổ sau khai thác khoáng sản: 39 khu vực chưa được hoàn phục môi trường

01/08/2017, 09:11

BT- Hoàn thổ là nghĩa vụ bắt buộc các đơn vị doanh nghiệp sau khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản. Song, trên địa bàn toàn tỉnh hiện còn nhiều khu vực được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trước năm 2009 và hết hạn năm 2012, nhưng đến nay vẫn còn 75 trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ công tác hoàn phục môi trường. Trong đó có 31 trường hợp không phải thực hiện công tác hoàn phục môi trường do giấy phép hết hạn, bị thu hồi nhưng chưa tác động khai thác, giấy phép hết hạn và đang nộp hồ sơ xin gia hạn; 44 trường hợp còn lại được cấp giấy phép khai thác từ khi quy hoạch khoáng sản giai đoạn 2011-2015 (được duyệt năm 2012) đến nay đã hết hạn, nhưng vẫn chưa hoàn thổ. Qua rà soát của Sở Tài nguyên - Môi trường thì hiện toàn tỉnh còn 39 khu vực phải tiếp tục thực hiện công tác hoàn phục môi trường, chủ yếu là địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Hàm Tân.

                
   Một khu vực tại Thuận Quý chưa được hoàn    thổ.

Có thực trạng nói trên trước hết là do các đơn vị doanh nghiệp thiếu trách nhiệm khi được cấp phép khai thác khoáng sản. Khi giấy phép hết hạn đã không thực hiện đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nội dung hồ sơ môi trường đã được phê duyệt và các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Mặt khác, trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành Tài nguyên - Môi trường và chính quyền địa phương có dự án khai thác khoáng sản chưa sâu sát trong quản lý, thiếu kiểm tra đôn đốc, thiếu sự phối hợp giám sát, hướng dẫn thực hiện công tác hoàn thổ; chưa kiên quyết xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý việc doanh nghiệp không chấp hành quy định hoàn thổ.

Tìm hiểu sâu xa hơn ta thấy còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu trách nhiệm trong hoàn phục môi trường đó là: Quy định của pháp luật về công tác hoàn thổ môi trường chưa chặt chẽ, chưa có biện pháp chế tài đủ mạnh để buộc các đơn vị khai thác phải thực hiện nghiêm công tác hoàn thổ sau khai thác. Mặt khác, số tiền ký quỹ môi trường quy định còn thấp so với thực tế trượt giá hàng năm. Vì thế khi giấy phép hết hạn thì chi phí phục hồi môi trường thường cao hơn số tiền đã ký quỹ môi trường nên doanh nghiệp không thực hiện việc hoàn phục môi trường để rút lại số tiền đã ký quỹ môi trường. Một thực tế xảy ra ở nhiều khu vực là khi doanh nghiệp khai thác xong người dân đã sử dụng diện tích đất vào mục đích khác như: trồng thanh long, hoa màu, cây keo lá tràm, làm ao chứa nước, nuôi cá…nên doanh nghiệp khai thác khoáng sản không tiếp tục thực hiện việc hoàn thổ theo quy định.

Để việc hoàn thổ là nghĩa vụ bắt buộc của các doanh nghiệp sau khi hết hạn khai thác khoáng sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo trước hết Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, thị giải quyết dứt điểm việc hoàn phục môi trường và đóng cửa mỏ tại 39 khu vực chưa hoàn thổ. Sở Tài nguyên - Môi trường làm việc và yêu cầu doanh nghiệp cam kết hoàn phục môi trường, đóng cửa mỏ chậm nhất trong quý 1/2018. Nếu doanh nghiệp không hoàn phục thì kiến nghị UBND tỉnh cho phép chuyển số tiền đã ký quỹ môi trường cho Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND huyện thuê đơn vị thực hiện việc hoàn phục môi trường, đồng thời Sở Tài nguyên - Môi trường xử lý hoặc tham mưu các cấp có thẩm quyền xử lý các doanh nghiệp không thực hiện việc hoàn thổ.mặt khác, thường xuyên kiểm tra, nghiệm thu kết quả việc hoàn thổ của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

HỒ NHẬT



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoàn thổ sau khai thác khoáng sản: 39 khu vực chưa được hoàn phục môi trường