Theo dõi trên

Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và Bình Thuận: Tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng của tỉnh

23/07/2020, 17:07 - Lượt đọc: 18

BT- Sáng 23/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và kiến nghị giải quyết một số vướng mắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận. Tham dự tại điểm cầu Bình Thuận có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Ngọc Hai - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Văn An - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hoài Anh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Hòa -  Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

 Bình Thuận đảm bảo giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cho biết, Bình Thuận triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 trong điều kiện có nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Mặt khác, nắng hạn kéo dài, kết cấu hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, sự chồng lấn quy hoạch titan với các quy hoạch ngành, lĩnh vực  khác… đã tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 3,81%. Nổi bật nhất là giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 17.200 tỷ đồng, đây là trụ cột cũng là động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Khó khăn nhất là tác động của dịch bệnh đối với ngành du lịch, thương mại và xuất khẩu, trong đó lượng khách du lịch giảm 46%, doanh thu giảm hơn 37%. Về các công trình trọng điểm của Trung ương trên địa bàn, tỉnh đã tập trung vào đường cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua Bình Thuận, dài 160,3 km. Đến nay, đã giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án đạt 93% và giải ngân 71,3%. Tỉnh khẳng định cuối tháng 8 tới có thể giao mặt bằng để khởi công 2 đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã phân khai kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho công trình hoàn thành, thanh toán nợ xây dựng cơ  bản, công trình chuyển tiếp theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định tại quyết  định của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch vốn đầu tư năm 2020, các văn  bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương và nghị quyết của HĐND tỉnh. Tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp; định kỳ hàng tháng, tiến hành rà soát đánh giá tiến độ thực hiện để kịp thời tháo gỡ vướng mắc.  Đến 30/6 đã giải ngân 38,4% trong tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách, hơn 3.000 tỷ đồng và cập nhật đến ngày 21/7 là hơn 42%. Đến cuối năm 2020, Bình Thuận đảm bảo giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020.

Đồng tình với cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh về giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công trong năm nay, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để có tiền phục vụ đầu tư công là một việc khó, nhưng khi đã có tiền mà không giải ngân được thì tỉnh Bình Thuận sẽ có lỗi lớn với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân tỉnh nhà. Bình Thuận quyết tâm giải ngân hết theo kế hoạch.

Lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá cao tốc độ giải ngân của tỉnh Bình Thuận, đồng thời cho biết, hơn một tuần sau hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng và các địa phương về giải ngân, thì tốc độ giải ngân, đặc biệt ở tỉnh Bình Thuận tăng mạnh. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của địa phương.

Ghi nhận xoay quanh nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bình Thuận trong việc bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay. Thủ tướng cho rằng, đây là cố gắng lớn của Bình Thuận mà các địa phương khác phải học tập, “chứ không phải cứ bàn lùi”.

 Tháo gỡ những điểm nghẽn

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cũng đã nêu một số kiến nghị cụ thể về tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết; sớm giải quyết điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trên địa bàn tỉnh; bổ sung dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind và điện khí LNG Kê Gà vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cho rằng, đây là những “điểm nghẽn” cần phải tháo gỡ trong việc phát triển kinh tế của địa phương.

Những kiến nghị này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo tại hội nghị. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh: Cảng hàng không Phan Thiết là công trình đầu tư công, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng tập hợp ý kiến đã được hội đồng thẩm định xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tinh thần là khởi công ngay trong năm nay. Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng ứng vốn trước, Chính phủ sẽ xem xét điều chuyển vốn từ nơi khác qua dự án này. Ghi vốn dự án vào giai đoạn 2021-2025. Việc khởi công được sân bay, sẽ tạo đà phát triển cho tỉnh Bình Thuận, đồng thời tạo niềm tin cho Đảng bộ và nhân dân địa phương.

Đối với việc Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan: Thủ tướng yêu cầu trong tháng 9, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 45, đây sẽ là nền tảng để dựa vào đó điều chỉnh quy hoạch tại địa phương.

Riêng kiến nghị về bổ sung dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind và điện khí LNG Kê Gà vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia: Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2021 – 2030. Thủ tướng cho rằng, cùng với Vĩnh Tân, thì việc phát triển điện khí và điện năng lượng tái tạo sẽ giúp Bình Thuận là một trong những Trung tâm năng lượng quốc gia. 

 Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh: Bình Thuận có nhiều lợi thế như đất đai rộng lớn, con người cần cù, có truyền thống văn hóa lịch sử phong phú, có cảng nước sâu, ngư trường lớn, có khoáng sản, năng lượng tái tạo… Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh quyết tâm rất cao trong khắc phục khó khăn, vươn lên trong phát triển. GRDP của tỉnh năm 2019 đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố, thì 6 tháng đầu năm, Bình Thuận đã vươn lên đứng thứ 18. Năm nay, tỉnh phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, trong đó không thay đổi chỉ tiêu thu ngân sách trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Bên cạnh đó, Thủ tướng chia sẻ, Bình Thuận chịu ảnh hưởng lớn của khô hạn, dịch bệnh. Hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ. Sự chồng lấn quy hoạch titan với quy hoạch khác là điểm nghẽn chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của tỉnh. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị tỉnh lo chống hạn, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân, bảo vệ mùa màng, cây ăn quả. Cần tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch để không bị chồng lấn, lãng phí. Phát triển đồng bộ công nghiệp, nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến; phát triển mạnh du lịch, đưa ngành này thực sự trở thành ngành kinh tế động lực, có thương hiệu trong khu vực. Trong phát triển, chú ý hệ thống doanh nghiệp; quản lý hiệu quả tài nguyên, đất đai, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng chính quyền số, thương mại điện tử. Thủ tướng tin tưởng rằng, với tiềm năng và lợi thế của Bình Thuận, với sự nỗ lực cố gắng của các cấp lãnh đạo, nhất định Bình Thuận sẽ có những bước tiến tốt hơn nữa trong thời gian đến.              

Thanh Nhàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và Bình Thuận: Tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng của tỉnh