Hội nông dân các cấp
Hội nông dân các cấp: Khẳng định vai trò trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
BT- 10 năm qua, các cấp, các ngành,
địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã
tích cực quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 61, ngày 3/12/2009 của Ban
Bí thư về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong
phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân
Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”. Nhờ vậy đã đạt một số kết quả quan trọng.
 |
Nông dân thu hoạch lúa. Ảnh: Đình Hòa |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ
thị, chỉ đạo quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên,
hội viên về vị trí, vai trò của Hội Nông dân theo Kết luận số 61 của Ban Bí thư
(khóa X). Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp triển khai các
hoạt động hỗ trợ nông dân. Theo đó, Hội Nông dân các cấp đã lãnh đạo Ban vận
động Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp mình tích cực vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân (quỹ),
đến nay, toàn tỉnh đã vận động quỹ được 32,86 tỷ đồng ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã;
10/10 huyện, thị, thành phố và 119/124 xã, phường, thị trấn đã triển khai vận
động được quỹ. Thông qua đó, giải quyết cho hơn 2.000 hộ nông dân vay vốn/336 dự
án giải quyết việc làm có hiệu quả, việc sử dụng quỹ và thu, nộp phí đúng quy
định. Thông qua nguồn vốn ủy thác, Hội Nông dân các cấp đã thực hiện tín chấp
cho hơn 60.250 hộ hội viên nông dân/vay 3,73 tỷ đồng để phát triển kinh tế, nhờ
đó nhiều hộ thoát nghèo.
Đồng thời, các cấp hội nông dân đã
đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến nông dân.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 4 lớp tập huấn về “Nâng cao nhận thức
về ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật” cho 200 học viên là các chủ trang trại,
thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã; các đơn vị có liên quan, tổ chức gần 12.800
lớp tập huấn, 250 buổi hội thảo đầu bờ cho gần 2 triệu lượt nông dân tham gia
tiếp cận khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... Các cơ sở trong tỉnh đã
đào tạo nghề hơn 86.000 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề
từ 12,9% (năm 2010), tăng lên 26,87% (năm 2020) và giải quyết việc cho làm cho
lao động sau đào tạo nghề chiếm khoảng 82,7%. Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân
đã tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 96/96 xã
hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, hiện có 63 xã đạt
chuẩn nông thôn mới, vượt 13 xã so chỉ tiêu được giao. Riêng huyện Phú Quý đạt
chuẩn nông thôn mới vào năm 2015...
Công tác xây dựng tổ chức hội và
phát triển hội viên ngày càng được quan tâm hơn, số lượng và chất lượng hội
viên, tổ chức cơ sở hội tăng hàng năm. Trong 10 năm qua đã phát triển 20.060
hội viên mới, bình quân phát triển hơn 2.000 hội viên/năm, nâng tổng số hội viên
toàn tỉnh lên gần 153.660 hội viên và 100% thôn, khu phố có tổ chức Hội.
Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn,
nhất là nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng trưởng chậm, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn
của hội viên, nông dân để phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc tạo điều kiện,
hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng thành thạo những tiến bộ khoa học - công nghệ
vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, tăng sức cạnh
tranh và tham gia vào quá trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp... Việc đổi mới
nội dung và phương thức hoạt động của Hội Nông dân chưa nhiều; vai trò của các
cấp hội nông dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới và vai trò cầu nối
trong việc phát huy mối liên kết giữa “Nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước và các
tổ chức tín dụng” chưa được thể hiện rõ nét. Đời sống của một bộ phận nông dân
còn khó khăn, thu nhập không ổn định, lao động nông thôn chưa qua đào tạo nghề
và thiếu việc làm còn nhiều...
Thiết nghĩ trong thời gian tới, các
cấp hội nông dân trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính
quyền, cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc khắc
phục những khó khăn. Đó cũng chính là thực hiện Kết luận số 61 của Bộ Chính trị
(khóa X) đạt kết quả cao hơn trong thực tiễn.
Trần Tới