Theo dõi trên

Hợp tác phát triển du lịch - xu hướng tất yếu

23/01/2019, 08:42

BT- Chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận được sở chức năng của 3 địa phương tiến hành ký kết và đã triển khai qua hai giai đoạn (2007 - 2012 và 2013 - 2018). Kết quả cho thấy, dù còn một số hạn chế xuất phát từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, song định hướng hợp tác phát triển du lịch vẫn là xu hướng tất yếu trong tình hình hiện nay.

                
Khách quốc tế trải nghiệm môn thể thao lướt    ván diều trên biển Mũi Né (Bình Thuận).

Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, lãnh đạo ngành chức năng của các địa phương tiếp tục ký kết chương trình hợp tác phát triển “Tam giác du lịch” giai đoạn 2019 - 2024. Nhìn nhận cần có những hướng đi mới, lần này du lịch TP. Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận đã thể hiện sự quyết tâm trong tận dụng, phát huy tất cả tiềm năng, lợi thế liên vùng để xây dựng thương hiệu mạnh và có tính cạnh tranh cao. Đặc biệt là phải xây dựng cho được sản phẩm chung mang tính đặc trưng, độc đáo cũng như có sức hấp dẫn nhằm thu hút du khách khắp nơi tham gia trải nghiệm tour du lịch liên vùng.

Liên quan vấn đề này, có ý kiến cho rằng thương hiệu chung lâu nay là “Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né” đã thể hiện hết nét hội tụ đặc trưng, độc đáo của du lịch 3 địa phương?... Bởi theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định tiềm năng cần khai thác của các tỉnh, thành. Trong đó vùng Tây nguyên - Lâm Đồng với sản phẩm du lịch chính là du lịch văn hóa, tham quan tìm hiểu bản sắc dân tộc Tây nguyên, du lịch sinh thái, đồng thời Đà Lạt - Lâm Đồng là đô thị du lịch nghỉ dưỡng núi… Còn tại vùng Đông Nam bộ - TP. Hồ Chí Minh có sản phẩm chính là du lịch đô thị tổng hợp, du lịch Mice, du lịch mua sắm cao cấp, bên cạnh đó cũng xác định tiềm năng phát triển điểm du lịch Củ Chi, Khu du lịch Cần Giờ… Riêng vùng Duyên hải Nam Trung bộ - Bình Thuận có sản phẩm du lịch chính là biển Mũi Né - Phan Thiết gắn với loại hình nghỉ dưỡng, tắm biển, vui chơi giải trí thể thao biển và tham quan, tìm hiểu kiến trúc văn hóa Chămpa cùng với nhiều cảnh quan biển, đồi cát đẹp.

Như vậy để phát triển “Tam giác du lịch” theo định hướng nêu trên, các địa phương phải tăng cường hợp tác, liên kết một cách sâu rộng và thực chất hơn. Nhất là về thực hiện cơ chế quản lý, chính sách thu hút đầu tư, hoàn thiện sản phẩm, liên kết tổ chức quảng bá thương hiệu chung, xúc tiến phát triển thị trường khách nội địa và quốc tế… Ngoài ra tích cực tham mưu UBND tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng các tuyến đường giao thông. Qua đó tạo thuận lợi cho việc hình thành, khai thác các tour du lịch trong chương trình liên kết cũng như kêu gọi đầu tư các điểm dừng chân trên tuyến TP. Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận. Tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Du lịch của 3 địa phương chủ động hướng dẫn doanh nghiệp du lịch tham gia đầu tư phát triển sản phẩm, hình thành các chương trình du lịch liên kết đặc thù như “1 chuyến đi - 3 điểm đến” để phục vụ du khách trong lẫn ngoài nước…

Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hợp tác phát triển du lịch - xu hướng tất yếu