Theo dõi trên

Hướng đi mới cho thanh long xuất khẩu

20/09/2018, 09:52 - Lượt đọc: 81

BT- Để nâng cao chất lượng sản phẩm quả thanh long và bảo đảm VSATTP nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, việc xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác xã theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP là một bước đi tất yếu trong giai đoạn hiện nay. 

                
   Liên kết chuỗi thanh long để mở rộng thị    trường xuất khẩu.

Chuỗi giá trị sản phẩm

Từ tháng 8/2016, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh xây dựng 2 chuỗi giá trị sản phẩm thanh long thực hiện liên kết 6 nhà đã xây dựng được chuỗi liên kết, tạo điều kiện cho nông dân phối hợp sản xuất thanh long, nhất là sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP để tìm kiếm đầu ra. Ông Phan Đình Khiêm – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Tiếp tục triển khai mô hình liên kết chuỗi, năm nay đoàn công tác của tỉnh đã đi khảo sát và kết nối nguồn cung tiêu thụ sản phẩm thanh long tại các tỉnh phía Bắc như: Cao Bằng, Hà Giang, Móng Cái và Hà Nội. Qua đó giúp Liên hiệp HTX thanh long Bình Thuận liên kết và ký kết hợp đồng kinh tế với các đối tác lớn. Triển khai lựa chọn các sản phẩm chủ lực của HTX, liên hiệp HTX cho việc xúc tiến thương mại quốc tế và đầu tư cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX bên lề Hội chợ thương mại quốc tế Asean – Trung Quốc tại thành phố Nam Ninh (Trung Quốc).

Liên hiệp HTX Dịch vụ sản xuất  thanh long Bình Thuận đã xúc tiến ký một số hợp đồng kinh tế với các công ty phân bón Sông Gianh, Nam Ngọc… để cung ứng đầu vào cho các HTX thành viên và nông dân là thành viên HTX. Đồng thời, đã ký kết với một số công ty trong nước như Công ty Gia Phú, Công ty Vineco để giải quyết đầu ra thanh long cho các HTX thành viên và nông dân là thành viên. Ngoài ra, thông qua HTX thanh long Thuận Tiến, bước đầu đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Pháp, Đức và đang ký kết 3 hợp đồng xuất khẩu thanh long qua Mỹ. Mặt khác, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với dự án nâng cao giá trị xuất khẩu cho HTX (MUTRAP) triển khai đã tác động giúp các HTX nâng cao giá trị sản phẩm thanh long tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước.  

Xóa “rào cản” để sản xuất sạch

Hiện tại, thanh long Bình Thuận tiêu thụ trên thị trường dưới dạng tươi, trong đó 15% sản lượng tiêu thụ nội địa và 85% sản lượng là được xuất khẩu. Thế nhưng, liên tục nhiều năm qua, sản lượng xuất khẩu chính ngạch chỉ chiếm 2-3% tổng sản lượng thanh long. Chưa có nhiều thanh long xuất khẩu chính ngạch, vì chưa có nhiều nông dân đưa ra thị trường sản phẩm thanh long đạt tiêu chuẩn mà các thị trường khó tính đưa ra. Để xuất khẩu chính ngạch, thanh long phải được sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc, trải qua chiếu xạ, kiểm tra nhiều tiêu chí về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của đối tác. Chính những điều này khiến cho không ít doanh nghiệp ngại ngần. Còn về phía nông dân, cũng không mạnh dạn áp dụng sản xuất an toàn khi chưa có doanh nghiệp cam kết tiêu thụ.

Huyện Hàm Thuận Bắc - nơi có hơn 9.100 ha thanh long, trên 3.350 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với 11 HTX, 213 tổ hợp tác/5.318 thành viên. Mới đây, Liên minh HTX tỉnh phối hợp ngành nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc ký kết liên kết, sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị thông qua sự kết nối HTX thanh long Hòa Lệ đã mở thêm hướng đi mới đẩy mạnh sản xuất thanh long VietGAP. Nông dân Nguyễn Tánh, Tổ trưởng nhóm thanh long VietGAP Thắng Lợi (xã Hàm Liêm  - Hàm Thuận Bắc) chia sẻ: “Tổ thanh long VietGAP Thắng Lợi thành lập được 8 năm nhưng hiện còn 16 hộ/25ha. Tâm lý bà con sản xuất VietGAP nhưng chưa có doanh nghiệp dựa trên tiêu chí VietGAP thu mua sản phẩm, đây là lý do bà con không mặn mà rời tổ. Do đó Liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân an tâm khi sản xuất thanh long đúng quy trình an toàn”.

    
      Toàn tỉnh hiện có 30 HTX thanh long, hàng ngàn thành viên tham gia, diện   tích trên 3.000 ha, sản lượng ước tính trên 100.000 tấn.

 Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đi mới cho thanh long xuất khẩu