Theo dõi trên

Huy động các nguồn lực phát triển mạng lưới chợ

14/09/2017, 08:43

BT- Bên cạnh các siêu thị và trung tâm thương mại thì trên địa bàn Bình Thuận hiện có 137 chợ đang hoạt động, qua đó đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân trong tỉnh. Đối với mạng lưới chợ, địa phương xác định phát triển theo hướng sắp xếp hợp lý những chợ hiện có và mở rộng thêm một số chợ ở các địa bàn cần thiết, tiến tới chấm dứt tình trạng chợ tự phát, chợ nhóm họp ven đường…

Nhằm phát triển mạng lưới theo quy hoạch, thời gian qua Bình Thuận đã tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư cũng như các nguồn lực triển khai xây dựng, đưa vào khai thác hàng loạt chợ trên địa bàn. Như trước đây được ngân sách Trung ương hỗ trợ, chủ yếu là từ nguồn của các chương trình mục tiêu quốc gia đã xây dựng chợ Tiến Thành - TP. Phan Thiết, chợ Vĩnh Tân - huyện Tuy Phong (Chương trình 257), chợ Phong Phú - huyện Tuy Phong, chợ Gia Huynh và chợ Sông Dinh - huyện Tánh Linh (Chương trình 135), chợ Sơn Mỹ - huyện Hàm Tân, chợ Sùng Nhơn - huyện Đức Linh (vốn hỗ trợ phát triển vì cộng đồng). Ngoài ra, còn có đối tượng là doanh nghiệp và hộ kinh doanh tự góp vốn đầu tư chợ Tầm Hưng - huyện Hàm Thuận Bắc, chợ Lập Hòa - huyện Hàm Thuận Nam, chợ Tân An - thị xã La Gi, chợ Đức Tài - huyện Đức Linh…

Riêng trong 10 năm gần đây (giai đoạn 2007 đến nay), nguồn đầu tư xây dựng mạng lưới chợ trên địa bàn Bình Thuận chủ yếu thông qua xã hội hóa và được huy động từ các thành phần kinh tế tư nhân. Tổng cộng đã có khoảng 450 tỷ đồng tiến hành xây dựng một số chợ từ hạng 1 đến hạng 3 như chợ Phan Thiết (143 tỷ đồng), chợ Chợ Lầu (40 tỷ đồng), chợ Tân Hải (25 tỷ đồng), chợ Vũ Hòa (20 tỷ đồng)… Cùng với đó, địa phương còn dành nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ một phần cùng tiểu thương thực hiện xây mới, nâng cấp đạt tiêu chí số 7 (tiêu chí chợ nông thôn mới) cho chợ Tân Tiến - thị xã La Gi, chợ Hồng Sơn - huyện Hàm Thuận Bắc, chợ Hàm Minh - huyện Hàm Thuận Nam, chợ Gia Huynh - huyện Tánh Linh.

Như vậy tại Bình Thuận đã có 55 chợ được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp trong thời gian gần đây, hầu hết các chợ khi hoàn thành đưa vào hoạt động đều đem lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Dù vậy ở những địa bàn miền núi, vùng sâu xa thì việc huy động các nguồn lực tham gia đầu tư chợ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi nhà đầu tư hay tiểu thương còn lo ngại hiệu quả kinh tế thấp, trong khi đó ngân sách địa phương hạn chế, chỉ hỗ trợ một phần và tập trung cho các xã đăng ký về đích nông thôn mới hàng năm. Từ thực trạng đó, Bình Thuận mong muốn Trung ương tiếp tục có chính sách hỗ trợ kinh phí nhằm tạo điều kiện xúc tiến đầu tư các chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể giúp địa phương thực hiện nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ được tốt hơn. Nhất là trong việc ban hành cơ chế chính sách kêu gọi nhà đầu tư xây dựng chợ, tổ chức đấu thầu kinh doanh - quản lý chợ, mức giá thuê điểm kinh doanh tại chợ…

Đ.Quốc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huy động các nguồn lực phát triển mạng lưới chợ