Theo dõi trên

Kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập: Phát huy hiệu quả tưới mùa khô

07/05/2018, 08:30

BT- Vào những ngày cao điểm nắng nóng, nhiều địa phương trong tỉnh đang chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt và nước tưới, khiến cuộc sống gặp không ít khó khăn. Đặc biệt tại huyện Hàm Thuận Nam - nơi được coi là một trong những “rốn” hạn của tỉnh suốt nhiều năm qua cũng không ngoại lệ. Tình hình chung là vậy, nhưng đối với những người dân hiện đang được hưởng lợi từ kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập lại khác…

                
Hồ Sông Móng.

Thanh long “leo” núi

Khi cái hạn đang bào mòn sự tươi mới của cây trái ở vùng đất Hàm Thuận Nam vì thiếu nước tưới, thì dọc tuyến kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập - nơi chúng tôi đi qua những ngày này vẫn rực sắc xanh của bạt ngàn thanh long. Thậm chí, trên những triền núi cao, cây thanh long cũng được người dân trồng và chăm sóc tươi tốt, cho trái trĩu cành. Anh Lưu Văn Tú ở thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh là một trong số hộ được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn nước thủy lợi ở đây chia sẻ niềm vui với chúng tôi. Anh Tú cho biết, trước đây người dân địa phương sản xuất lúa vào mùa mưa, dựa vào nước trời. Nay nhờ có nước thủy lợi đi qua, cộng thêm  nhiều nhà có ao trữ nước, nên bà con chuyển sang trồng cây thanh long cho lợi nhuận khá, nên đời sống nhiều đổi thay. Riêng gia đình anh Tú có 3.000 trụ thanh long, thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm. Còn hộ anh Trần Hoàng Quân ở cùng thôn cũng có 3.000 trụ thanh long. Anh Quân cho biết, ngày xưa những mảnh vườn này là vùng đất bỏ hoang vì khô cằn. Từ khi chủ động nguồn nước tưới nhờ kênh tiếp nước, bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Ngoài trồng thanh long ruột trắng, gia đình anh Quân còn trồng thêm thanh long ruột tím hồng để nâng cao hiệu quả canh tác.

                
   
Nước qua kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ -    Tân Lập.

 Mong chờ thông tuyến

Kênh chuyển nước hồ Sông Móng - hồ Đu Đủ - hồ Tân Lập (huyện Hàm Thuận Nam) được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối tháng 10/2010, do Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 68.596 triệu đồng, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và các nguồn vốn huy động khác. Mục tiêu đầu tư là chống hạn, trong đó sử dụng nguồn nước từ hồ Sông Móng chuyển về hồ Tân Lập để cấp nước thô sinh hoạt cho 3.500 hộ dân (0,624 triệu m3) trong 6 tháng mùa khô thuộc xã Tân Lập và trung tâm huyện Hàm Thuận Nam. Đồng thời chuyển nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đa mục tiêu cho huyện Hàm Thuận Nam với 4,660 triệu m3/năm. Ngoài mục tiêu chống hạn, khi hồ Sông Móng được bổ sung từ nguồn nước của hồ Ka Pét và hồ La Ngà 3 theo quy hoạch thì dự án đảm nhận thêm việc cấp nước cho 4.080 ha đất sản xuất nông nghiệp cho 4 xã Hàm Thạnh, Hàm Cường, Hàm Minh và xã Tân Lập (huyện Hàm Thuận Nam). Kênh chuyển nước hồ Sông Móng - hồ Đu Đủ - hồ Tân Lập có chiều dài 2 đoạn làm mới hơn 20 km. Đoạn kênh từ hồ Sông Móng - hồ Đu Đủ có tổng cộng 22 công trình trên kênh, gồm 1 cống lấy nước, 2 cầu máng, 12 cống lấy nước đầu kênh cấp 1 và 7 cống tiêu. Hồ Đu Đủ hiện đang tích đủ khoảng 3,5 m3, với diện tích tưới gần 1,5 ngàn ha, tưới thường xuyên 1.000 ha các xã Hàm Minh.

                
   
Người dân hưởng lợi từ kênh tiếp nước.

Ông Phan Văn Nghĩa - Trạm trưởng hồ Đu Đủ - Tân Lập cho biết: Ngày chứng kiến nước từ hồ Sông Móng về hồ Đu Đủ vào khoảng đầu tháng 5/2013, đánh dấu mốc quan trọng của công trình. Hiện đơn vị thường xuyên quản lý, tích nước mùa mưa, điều tiết nước lũ. Còn theo ông Lê Minh Tài - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL - Chi nhánh Hàm Thuận Nam: Hiện hệ thống kênh “xương sống” phía Bắc huyện đã được ổn định. Còn phía Nam huyện, đang đầu tư đoạn hồ Tà Mon chưa phát huy hiệu quả do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã có chuyến thực tế trên kênh, và chỉ đạo đơn vị thi công (Công ty CP Xây dựng phát triển hạ tầng Bình Thuận) phấn đấu hoàn thành toàn bộ chiều dài tuyến kênh tiếp nước Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon trong năm nay để nối mạng thủy lợi cho toàn huyện Hàm Thuận Nam.

Mong chờ thông tuyến sớm - đó không chỉ là mục tiêu phấn đấu của địa phương và các đơn vị thực hiện, mà còn là mong mỏi của người dân Hàm Thuận Nam, nhằm xóa đi nỗi lo thiếu nước mỗi khi mùa khô đến.

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập: Phát huy hiệu quả tưới mùa khô