Theo dõi trên

Kéo dài cảnh báo “thẻ vàng” với hải sản đến 11/2019: Cơ hội cuối cho khắc phục ?

24/05/2019, 08:41

BT - Giữa bao nhiêu giải pháp phải thực hiện, vấn đề hiện tại vẫn là làm thay đổi nhận thức, hiểu biết của ngư dân hành nghề xa trên biển về đánh bắt bất hợp pháp như là chính.

Vi phạm “bức bối”

Trong khi Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục kéo dài thời gian cảnh báo thẻ vàng với hải sản Việt Nam sang tháng 6/2019 thì trong thời gian trên, tức 4 tháng đầu của năm này, Bình Thuận lại có 3 vụ/4 tàu/28 ngư dân khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Cụ thể, theo thông tin từ Ban chỉ đạo chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh (Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh), Malaysia đã bắt giữ 2 vụ/3 tàu/20 ngư dân ở thị xã La Gi; Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 2 (KN 220) bắt 1 vụ/1tàu/8 ngư dân ở huyện Tuy Phong. Ngoài 2 trường hợp mới bị bắt giữ ngày 30/4/2019 và đang bị phía nước ngoài giữ người, tàu cá nên chưa thể xử phạt vi phạm hành chính, các trường hợp khác đều bị xử phạt nghiêm. Đó là không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính 85 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản 3 tháng, mà còn bị đưa ra khỏi danh sách hỗ trợ vùng biển xa theo Quyết định 48/TTg và không xem xét hỗ trợ các chuyến biển đã thực hiện trong năm 2019.

Ảnh: Đ.Hòa

Đây là sai phạm không thể chấp nhận được, vì không vin vào bất cứ lý do nào, khi mà việc cấm đánh bắt hải sản trái phép đã được các cơ quan chức năng ở tỉnh ráo riết tuyên truyền vận động lẫn cảnh báo từ rất nhiều tháng qua, nhất là từ khi EU cảnh báo thẻ vàng với hải sản xuất khẩu của Việt Nam từ tháng 10/2017. Gần nhất, dịp trước và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thời gian thuận lợi nhất trong năm để tuyên truyền hiệu quả cho các đối tượng đánh bắt ở vùng biển xa về quê ăn tết, Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh đã tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền. Đồng thời, sở ngành chức năng kiểm soát chặt trên các mặt như ngăn chặn, xử lý giã cào bay sai tuyến và khai thác IUU khác; kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá tại các cảng cá... Những con số như xử phạt vi phạm hành chính 213 trường hợp vi phạm vì hành nghề lặn trái phép, không đăng ký, đăng kiểm lại tàu cá theo quy định, sử dụng kích điện trên tàu cá...; kiểm tra sản lượng lên bến cho 9.428/11.046 lượt tàu cập cảng, thu nhận 1.236 giấy xác nhận tàu cập cảng, 1.236 sổ nhật ký khai thác và thực hiện xác nhận 65 giấy xác nhận khai thác thủy sản với 2.911,2 tấn hải sản các loại là bằng chứng cho thấy điều đó. Thế nhưng, 4 tháng qua, vẫn có con số tàu vi phạm đánh bắt bất hợp pháp, dù rất ít nhưng vẫn khiến tình hình trở nên bức bối, vì “con sâu làm rầu nồi canh”.

Nỗ lực cuối cùng

Trong bối cảnh ấy thì có thông tin EC sẽ tiếp tục xem xét việc khắc phục thẻ vàng hải sản Việt Nam trong Chương trình chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) thay vì dừng ở tháng 6 lại sang tháng 11/2019. Cuộc dời lần này, theo những người quan tâm đến thị trường xuất khẩu châu Âu, đó là sự quan tâm vì Việt Nam có động thái khắc phục tốt, dù mới tiếp cận quy định mới này và cần có thời gian để làm tốt hơn các điểm như có truy xuất nguồn gốc, khắc phục đánh bắt trái phép, hoàn thiện hệ thống giám sát tàu cá và tăng nặng chế tài xử lý theo Luật Thủy sản năm 2017. Đó là lý do, những cuộc dời mốc rút thẻ vàng càng về gần đây, được tính bằng mốc thời gian từ 2 đến 6 tháng. Và mốc 11/2019 có phải là mốc cuối cùng và tại Bình Thuận, tính đến thời điểm này, về mặt tổ chức thực hiện thì đã hoàn chỉnh.

Cuối năm 2018, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh, gồm 26 thành viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Có nghĩa, đủ lực lượng ở những vị trí cần thiết cho thực hiện những phần  việc theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Thực tế, theo đánh giá của Trưởng Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh trong cuộc họp ngày 20/5 cho thấy Bình Thuận đã hoàn thành việc thu hồi và lắp đặt lại thiết bị giám sát hành trình Movimar cho tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên; các cấp, các ngành đã tích cực, chủ động và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, vận động giáo dục đến kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...Tuy nhiên, nếu nhìn lại vi phạm vừa rồi cho thấy công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa sát hợp với từng đối tượng, nhất là những đối tượng có nguy cơ vi phạm cao như nghề lặn, nghề câu khơi...

Và giữa bao bộn bề việc phải làm, bao nhiêu giải pháp phải thực hiện, vấn đề hiện tại vẫn là làm thay đổi nhận thức, hiểu biết của ngư dân hành nghề xa trên biển về đánh bắt bất hợp pháp như thế nào là chính.

Bích Nghị 



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kéo dài cảnh báo “thẻ vàng” với hải sản đến 11/2019: Cơ hội cuối cho khắc phục ?