Theo dõi trên

Keo lá tràm rớt giá, người trồng khó khăn

17/05/2017, 08:22 - Lượt đọc: 294

BT- Mùa này, chỉ năm trước, dọc theo quốc lộ 55 qua địa bàn huyện Hàm Tân, khách đi đường thường gặp nhiều đống gỗ keo lá tràm (keo lưỡi liềm) đã lóc vỏ sạch sẽ, được bốc lên xe chở vào Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu tiêu thụ; người bán, kẻ mua đều vui vẻ. Còn năm nay, những người trồng keo không khỏi lo lắng, bởi giá keo xuống thấp, chẳng thu được bao nhiêu tiền sau nhiều năm chăm sóc…

Chị Trương Thị Khai, thôn 4, xã Sơn Mỹ cho biết, trước đây 1 ha keo nằm ở vị trí thuận tiện giao thông, chăm sóc tốt, sau 4 năm bán được 60 đến 70 triệu đồng, nhưng hiện giờ chỉ ở mức 45 - 50 triệu đồng. Trong khi trồng 1 ha keo, người dân đầu tư gần 20 triệu đồng mua giống, phân bón, thuê công chăm sóc, dọn lá phòng cháy mùa khô... Gia đình chị có 7 sào keo lá tràm nằm xen trong khu dân cư, vừa bán cho tiểu thương ở địa phương vào khai thác, chỉ được 35 triệu đồng, trừ chi phí, chị Khai chỉ còn 20 triệu đồng trong thời gian dài 4 năm. Tính ra nguồn thu quá thấp so trồng các loại hoa màu khác trong mùa mưa hàng năm… Được biết, khá nhiều gia đình ở đây, do kinh tế đang khó khăn (thất thu mùa điều, heo hơi hạ giá) đành bán những vườn keo với giá đang xuống thấp để trang trải cuộc sống, có hộ còn bán keo non đang  năm thứ ba giá rẻ hơn, không màng chăm sóc nữa. Ở xã bán sơn địa Sơn Mỹ đã có hơn 100 ha rừng keo lá tràm được nông dân trồng trên diện tích đất rẫy, đồi trọc, ven biển và cả trong đất vườn điều già cỗi đã chặt hạ. Trong mùa này, vài  chục ha đã và đang được các chủ vườn bán cho tiểu thương khai thác. Thực tế ở các xã Sơn Mỹ, Tân Thắng, Thắng Hải (Hàm Tân) hiện nay, chỉ những hộ có điều kiện kinh tế mới giữ rừng keo lá tràm, còn những hộ khó khăn, gia đình có việc đột xuất đều bán keo non cho các tiểu thương trong vùng, bởi nếu giữ lại thì không có hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Thành, thôn Suối Tứ, xã Thắng Hải, do gia đình đang cần tiền, cho hay: “Gia đình tôi vừa bán 1 ha keo gần 3 năm tuổi với giá chỉ 30 triệu đồng cho tiểu thương; trong khi vốn đầu tư và công chăm sóc đã hơn 20 triệu đồng”.

Được biết, những năm qua, phong trào trồng rừng kinh tế trong nhân dân ở Hàm Tân phát triển mạnh, không chỉ ở các xã đất màu nằm hai bên quốc lộ (1A, 55) ngang qua địa bàn, mà các xã đất bạc màu, đất pha cát ven biển, nông dân cũng chú trọng trồng rừng. Diện tích trồng keo ngày càng mở rộng. Trong khi sản lượng keo trên địa bàn được thu mua chủ yếu từ các tiểu thương làm đầu mối cho một số ít doanh nghiệp ở Biên Hòa (Đồng Nai), Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) chế biến giấy, bao bì chứa gỗ, dăm gỗ xuất khẩu. Điều này dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu hoặc việc xuất khẩu dăm gỗ của các doanh nghiệp gặp khó khăn thì keo sẽ mất giá.

Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, thời gian tới xuất khẩu dăm gỗ sẽ được hạn chế dần với mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng. Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non xuất khẩu dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Vì vậy, hạn chế mua bán keo non, giữ lại rừng keo cho người dân cần thiết hơn. Vấn đề nhiều người quan tâm như tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị cho sản phẩm rừng trồng. Muốn vậy, việc phát triển công nghiệp chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu cần song hành với nhau.                                  

T. Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Keo lá tràm rớt giá, người trồng khó khăn