Theo dõi trên

Khắc phục “thẻ vàng” IUU: Còn lắm gian nan

25/04/2019, 10:19

BT- “Sau khi kiểm tra 4 tỉnh trọng điểm: Kiên Giang, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh ta, thì Bình Thuận là tỉnh triển khai công tác chống khai thác IUU khá nhất. Tuy nhiên, để Ủy ban châu Âu (EC) gỡ “thẻ vàng” vào cuối năm nay, tỉnh cần nhiều giải pháp mạnh, đồng bộ hơn”. Đó là nhận xét của đoàn công tác Bộ NN & PTNT.

                
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra thực    tế tại cảng cá Phan Thiết.

 Nhiều bất cập

Sau khi kiểm tra thực tế tại cảng cá Phan Thiết, đoàn công tác đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót tỉnh cần khắc phục thời gian tới. Khi kiểm tra ngẫu nhiên tàu kéo đôi Bà Rịa - Vũng Tàu cập cảng Phan Thiết, đoàn công tác phát hiện tàu này không có giấy chứng nhận an toàn tàu cá; giấy phép khai thác chỉ có bản photo; không có danh sách thuyền viên; chưa đóng dấu biên phòng; giấy phép khai thác không đúng tàu khai thác. Ngoài ra, khi kiểm tra hồ sơ cũng như việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, nhiều tàu chưa truy xuất được, sai sót trong ghi chép nhật ký khai thác còn nhiều, số lượng tàu xuất - nhập bến chưa khớp… Theo đoàn đánh giá, Bình Thuận triển khai Luật Thủy sản khá sớm, đầy đủ, tăng cường nhiều biện pháp để ngăn chặn tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài, tuy nhiên trong quý I/2019 vẫn còn tình trạng này.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã La Gi  Võ Văn Hoàn, mặc dù UBND thị xã La Gi triển khai rất nhiều giải pháp như tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho 191 chủ tàu thuyền hành nghề câu khơi, là những đối tượng có nguy cơ cao. Thậm chí nhờ linh mục rao giảng, tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ vì một bộ phận ngư dân ở La Gi theo đạo Thiên Chúa giáo. Nhưng địa phương vẫn còn tình trạng ngư dân xâm phạm lãnh hải vì nhiều ngư dân có tâm lý: đi 3 chuyến chấp nhận bị bắt 1 chuyến vẫn còn lời. Có lẽ việc xử phạt theo Nghị định 41 hiện nay chưa đủ sức răn đe (chỉ từ 70 - 100 triệu đồng/ vụ xâm phạm vùng biển nước ngoài).

Về vấn đề này, khi làm việc với tỉnh, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh, Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, đã tăng mức xử phạt đối với hành vi khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài. Theo đó, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng, tổ chức lên đến 2 tỷ đồng. Đây sẽ là thông tin khiến nhiều ngư dân chùn tay khi có ý định xâm phạm lãnh hải vì lợi ích cá nhân.

 Cần thêm thời gian

Để triển khai hoạt động chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU, thời gian qua ngành chức năng của tỉnh đã tích cực vào cuộc, triển khai các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp và bước đầu đạt một số kết quả.

Số tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt, tạo chuyển biến quan trọng về mặt nhận thức đối với tác hại, hậu quả của việc đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác hải sản của ngư dân khai thác xa bờ. Các sở, ngành và địa phương trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, ban hành nhiều kế hoạch hành động toàn diện chống khai thác IUU theo hướng phát triển thủy sản bền vững và có trách nhiệm. Bên cạnh đó, đã chỉ đạo hoàn thành việc thực hiện thu hồi thiết bị Movimar đối với tàu cá dưới 24 m và tổ chức lắp đặt xong cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên trong tỉnh (có 33 chiếc thuộc đối tượng phải lắp đặt) theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

 Ngoài vấn đề vi phạm vùng biển nước ngoài, việc truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác vẫn là “điểm nghẽn” lớn trong quá trình thực hiện các khuyến nghị của EC. Nguyên nhân là do trước đây, hầu hết ngư dân không ghi nhật ký khi đi khai thác hải sản. Trong khi đó, Ban quản lý các cảng cá cũng như đơn vị thu mua cũng không yêu cầu ngư dân xuất trình giấy tờ ghi lại hành trình khai thác của mình. Chính vì vậy, không thể một sớm một chiều thay đổi được thói quen của ngư dân mà cần đẩy mạnh tuyên truyền và tập huấn trực tiếp.

Theo đánh giá của ngành chức năng, Thái Lan phải mất 4 năm mới được EC gỡ “thẻ vàng” IUU, do đó với mục tiêu gỡ “thẻ vàng” vào cuối năm nay của Bộ NN&PTNT, các địa phương ven biển trong đó có Bình Thuận có lẽ cần thêm thời gian để triển khai nhiều biện pháp từ pháp lý đến kỹ thuật, nhằm thực hiện tốt các khuyến nghị của EC.

    
    Tại buổi   làm việc với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê   Tuấn Phong đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp thu những   ý kiến đề xuất của đoàn công tác. Qua đó có kế hoạch triển khai và chấm   dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước   ngoài trong thời gian tới.

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khắc phục “thẻ vàng” IUU: Còn lắm gian nan