Theo dõi trên

Khắc phục tình trạng chính sách “treo”

12/11/2018, 15:51 - Lượt đọc: 95

BTO- Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật trồng trọt tại kỳ họp thứ 6 – Quốc hội khóa XIV, ông Huỳnh Thanh Cảnh – Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu góp ý cho rằngchính sách nông nghiệp về trồng trọt nêu trong dự thảo luật nếu thực hiện tốt sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy trồng trọt phát triển có hiệu quả và bền vững, khắc phục được nhiều khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế không ít nghị định Chính phủ, quyết định của Thủ tướng đề ra nhiều chính sách tốt nhưng do nguồn lực ngân sách không bảo đảm hoặc bố trí rất thấp; điều kiện thụ hưởng còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản pháp luật, thậm chí, có nội dung không phù hợp, bất hợp lý; trình tự, thủ tục còn rườm rà nên nông dân và doanh nghiệp khó thụ hưởng chính sách hoặc thụ hưởng không nhiều.

Do vậy, đại biểu Cảnh đề nghị Chính phủ sớm khắc phục tình trạng trên, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách hiện có và ban hành các chính sách mới, sát với thực tế, đồng bộ và tránh xung đột pháp lý; thủ tục hành chính gọn nhẹ, đặc biệt là phải bố trí ngân sách thỏa đáng, tạo thuận lợi để nông dân và doanh nghiệp thật sự được thụ hưởng các chính sách về trồng trọt theo luật này, khắc phục tình trạng chính sách treo, chính sách không khả thi.

Đại biểu Cảnh cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa vào luật nội dung có liên quan đến chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất dưới các hình thức đa dạng, phù hợp với thực tiễn để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đồng thời cũng là điều kiện cơ bản để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Đây là chính sách lớn, rất quan trọng, có tính tất yếu để nông nghiệp của nước ta nói chung và trồng trọt nói riêng phát triển hiệu quả, bền vững, tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta.

Về các hành vi bị cấm trong hoạt động trồng trọt, dự thảo luật nêu: “canh tác gây hại tới sức khỏe con người, cây trồng, vật nuôi, ô nhiễm môi trường, suy thoái và cạn kiệt tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học” như vậy là chưa rõ, thiếu cụ thể và rất khó thực hiện. Theo đại biểu Cảnh, thế nào là canh tác gây hại tới sức khỏe con người, cây trồng, con nuôi? Hành vi nào bị cấm? Vi phạm thì chế tài ra sao? Đề nghị cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể nội dung này để tổ chức thực hiện.

Về xác định cơ cấu cây trồng, dự thảo luật chỉ căn cứ vào 3 yếu tố đó là (1) tính chất lý, hóa học của đất, (2) đặc tính sinh học của cây trồng, (3) trình độ phát triển khoa học công nghệ. Đại biểu Cảnh cho rằng, nếu chỉ như vậy là chưa đủ mà còn phải căn cứ thêm 3 yếu tố rất quan trọng: (1) điều kiện nguồn nước, (2) ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và (3) nhu cầu thị trường. Có như vậy thì việc xác định cơ cấu cây trồng, mùa vụ mới phù hợp, hạn chế được rủi ro. Nên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung này vào dự thảo luật.

Phải có sự ràng buộc trong liên kết sản xuất

Về hợp tác liên kết sản xuất, dự thảo luật nêu: “Phát triển các hình thức hợp tác tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở hợp đồng, tạo điều kiện cấp chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia”. Đây là khâu rất quan trọng để phát triển trồng trọt trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, nhưng theo đại biểu Cảnh, nếu chỉ quy định như vậy mà không có ràng buộc nào thì tính khả thi sẽ rất hạn chế, do vậy, đề nghị bên cạnh việc phát triển hình thức hợp tác, liên kết trên cơ sở hợp đồng thì nhất thiết phải luật hóa nghĩa vụ của các bên tham gia hợp tác liên kết, quy định rõ các biện pháp giải quyết nếu có vi phạm hoặc có tranh chấp hợp đồng giữa các bên. Nếu không  thì việc hợp tác liên kết sẽ lỏng lẻo, tùy tiện vì sẽ không chịu sự ràng buộc nào và không thực chất, đặc biệt là doanh nghiệp sẽ ngại liên kết với nông dân. Ban soạn thảo cũng cần xem xét nghiên cứu đưa vào dự thảo luật.

Về an toàn thực phẩm trong trồng trọt. Đây là nỗi lo, bức xúc của xã hội. Lương thực, thực phẩm tạo ra từ trồng trọt mà mọi người sử dụng hàng ngày chưa biết đâu là sạch, đâu là mất an toàn và đây cũng là điều kiện tiên quyết để ngành trồng trọt phát triển hiệu quả và bền vững. Với ý nghĩa như vậy nhưng dự thảo luật đề cập vấn đề an toàn thực phẩm trong trồng trọt rất sơ sài, trong khi đó vấn đề bảo vệ môi trường trong canh tác được thiết kế một điều riêng thì rất thỏa đáng.

Với lý do đó, đại biểu Cảnh đề nghị cần xây dựng một điều riêng về an toàn thực phẩm trong trồng trọt, quy định rõ những việc được làm, những việc cấm, trách nhiệm của các bên liên quan để tạo ra hành lang pháp lý cùng với Luật An toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức của các tổ chức và cá nhân, tạo chuyển biến về chấp hành pháp luật và an toàn thực phẩm nói chung cũng như trong trồng trọt nói riêng trong thời gian đến.

Khắc Điều



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khắc phục tình trạng chính sách “treo”