Theo dõi trên

Khai thác tiềm năng điện mặt trời: Sau dự án là hạ tầng lưới điện

14/12/2017, 08:51

BT- Bình Thuận là địa phương sở hữu tiềm năng và có nhiều lợi thế để phát triển điện mặt trời nhờ thời tiết trong năm ít mưa, số giờ nắng cao và bức xạ nhiệt ổn định. Theo quy hoạch đến năm 2030, địa phương có thể thu hút các dự án đầu tư nhà máy sản xuất điện mặt trời trên địa bàn toàn tỉnh với tổng công suất đạt hơn 3.800 MW. Ở lĩnh vực này, hiện tại Bình Thuận đã có 6 dự án được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch và 1 dự án đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra còn có 7 dự án điện mặt trời đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, hàng chục dự án đang trình hoặc trong giai đoạn xem xét thẩm định trước khi trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch…

                
      
Cần thiết đầu tư phát triển và hoàn thiện    hạ tầng lưới điện để khai thác hiệu quả các dự án điện mặt trời.

Trong thời gian qua, việc đấu nối các dự án điện mặt trời vào hệ thống lưới điện truyền tải Bình Thuận theo hồ sơ quy hoạch bổ sung cũng được ngành và địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với dự báo tình hình thu hút đầu tư phát triển điện mặt trời như hiện nay thì khả năng đấu nối lên lưới điện (220kV và 110kV) hiện hữu sẽ không thể đáp ứng được. Vì vậy Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần quan tâm chỉ đạo đơn vị trực thuộc hoặc có liên quan tiến hành nghiên cứu, xem xét đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường dây truyền tải cũng như các trạm biến áp trên địa bàn.

Về vấn đề này, vừa qua địa phương đã đề xuất cấp thẩm quyền cải tạo, nâng cấp đường dây 220kV mạch kép Vĩnh Tân - Phan Thiết - Phú Mỹ và đầu tư xây dựng trạm 22/110/220kV Hồng Liêm để đấu nối các nhà máy điện mặt trời ở khu vực xã Hồng Liêm (huyện Hàm Thuận Bắc). Giai đoạn tiếp theo là đầu tư xây dựng trạm 220/500kV tại khu vực xã Hồng Liêm nhằm đấu nối các trạm biến áp 220kV Hồng Liêm, Hồng Phong và đường dây 500kV đấu nối lên đường dây Vĩnh Tân - Sông Mây, hoặc theo hướng đường dây Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên.

Việc đầu tư các trạm 110/220kV tại khu vực xã Vĩnh Hảo, xã Hồng Phong cũng cần được tính tới, từ đó có thể đấu nối cho những nhà máy điện mặt trời, điện gió trên địa bàn hai huyện Tuy Phong và Bắc Bình. Trong khi chưa đủ điều kiện thì sớm nghiên cứu đầu tư xây dựng mới trạm cắt 110kV, như vậy sẽ tạo trạm đấu nối chung cho các nhà máy điện mặt trời với cấp điện áp 110kV trước khi đấu nối lên lưới 110kV tại khu vực. Đồng thời tiếp tục quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp đường dây 110kV mạch kép Phan Thiết - Lương Sơn - Phan Rí - Tuy Phong - Ninh Phước, Lương Sơn - Hòa Thắng - Mũi Né, Phan Thiết - Mũi Né, Phan Thiết - Thuận Nam - Hàm Tân - Bà Rịa, Hàm Tân - Tân Đức - Châu Đức…

Sau thu hút đầu tư điện mặt trời, việc hoàn thiện hạ tầng lưới điện được xác định là rất cần thiết để tạo điều kiện cho Bình Thuận phát triển kinh tế - xã hội, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo. Do vậy UBND tỉnh cho biết, địa phương sẵn sàng tạo thuận lợi về bố trí đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tối đa thủ tục liên quan đất đai và phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng, kịp thời đưa vào khai thác các công trình điện.

 Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai thác tiềm năng điện mặt trời: Sau dự án là hạ tầng lưới điện