Theo dõi trên

Khai thác TITAN: Những nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường

16/06/2017, 09:14

BT- Tại Bình Thuận, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã cấp 6 giấy phép khai thác titan cho các doanh nghiệp với diện tích 1.926 ha. Song, trong quá trình khai thác nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành đầy đủ thủ tục và gây ảnh hưởng xấu cho cảnh quan, môi trường.

                
Thiết bị khai thác titan.

Thiếu nguồn nước tuyển quặng, chậm hoàn thổ…

Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất nước. Nguồn nước mặt, nước ngầm tại địa phương khan hiếm trong khi khai thác titan cần rất nhiều nước. Theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan thì tại Bình Thuận có 25 khu vực với tổng diện tích 19.339 ha. Trong đó, chồng lấn 33 dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội với diện tích 4.576 ha. Các dự án thăm dò, khai thác titan đều nằm ven biển,  địa hình cao hơn so với các dự án chồng lấn quy hoạch du lịch, khu dân cư xung quanh… nên khả năng cung cấp nước trong quá trình tuyển quặng rất khó khăn, an toàn mỏ không cao khi  hoạt động. Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã xảy ra sự cố vỡ bờ moong. Gần nhất là sự cố vỡ bờ moong của Công ty TNHH thương mại Tân Quang Cường tại xã Thuận Quý, xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam)  gây ách tắc giao thông, phá vỡ cảnh quan, môi trường xung quanh. Ngoài yếu tố về thời tiết, thiếu nguồn nước ngầm để tuyển quặng, một số doanh nghiệp đã không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; khi doanh nghiệp khai thác xong đã đóng cửa mỏ, nhưng chậm hoàn thổ tạo nạn cát bay phủ lấp khu vực lân cận. Qua kiểm tra của Sở Tài nguyên-Môi trường vào cuối năm 2016 tại 13 mỏ khai thác titan cho thấy: Có 4 dự án đóng cửa mỏ đã phục hồi môi trường; 3 dự án đã thực hiện xong đề án đóng cửa mỏ hiện đang chăm sóc cây; 3 dự án chưa hoàn tất nội dung đề án đóng cửa mỏ và 3 dự án đang đo đạc địa hình sau khi hoàn thổ, trồng cây.

 Giải pháp và kiến nghị

Thực tế tại 25 khu vực được quy hoạch khai thác titan nhưng trong đó có nhiều khu vực địa hình cao, nguồn nước ngầm hạn chế... do đó khi khai thác titan doanh nghiệp đã sử dụng nước biển để tuyển quặng (sai với đề án) gây ô nhiễm khu vực ven biển. Do vậy, các địa phương kiến nghị khu vực nào có ảnh hưởng đến dân sinh, không an toàn mỏ, không bảo đảm nguồn nước, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, đất và sức khỏe nhân dân; công nghệ khai thác lạc hậu… thì đưa vào dự trữ quốc gia và điều chỉnh tập trung vào khu vực tầng cát đỏ, nhằm nâng cao công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên này. Cần xem xét năng lực của từng doanh nghiệp; rà soát phương án sử dụng nước cho việc tuyển quặng thô; đánh giá tác động trong khai thác titan tới nguồn nước ngầm tại khu vực; có phương án cung cấp nước sinh hoạt cho người dân bị tác động trực tiếp do hạ thấp mực nước ngầm trong quá trình khai thác, tuyển quặng titan; chủ dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình khai thác titan. Cơ quan chuyên môn cần tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các sai phạm và hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện tốt quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường, tài nguyên và đất đai, không để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường khu vực quy hoạch khai thác titan.

HỒ NHẬT



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai thác TITAN: Những nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường