Theo dõi trên

Khát vọng vươn khơi xa

17/10/2017, 08:57 - Lượt đọc: 42

BT - Bình Thuận đang dẫn đầu cả nước về số lượng đóng mới “tàu 67” nhằm hỗ trợ cho ngư dân có điều kiện phục vụ hoạt động đánh bắt xa bờ, góp phần cải thiện đời sống. Đặc biệt, trong 154 chiếc được phê duyệt đóng mới có đến 31 tàu vỏ thép, trong đó 9 tàu đã giải ngân, 4 tàu đã đi vào hoạt động…

         
   

   

         Tàu vỏ thép do    Công ty CP Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á đóng.

Những ưu việt của tàu vỏ thép

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Trọng Tú - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á - nơi đã đóng 3 tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Thuận khẳng định: Do là vật liệu vỏ thép nên có độ bền, tính kín nước cao đảm bảo an toàn khi có va chạm, tàu dễ phân khoang, khả năng chống chìm khi tàu bị thủng một số khoang tốt. Tàu dễ được tạo dáng nên có lợi làm giảm sức cản nước, tàu sẽ chạy tốc độ cao hơn, chi phí nhiên liệu theo tải trọng tiết kiệm, chịu được sóng gió tốt hơn so với vật liệu vỏ gỗ. Dễ áp dụng các công nghệ hiện đại trong thi công vì thế độ chính xác cao. Hệ thống các trang thiết bị hiện đại đảm bảo yêu cầu của quy phạm đáp ứng tốt cho việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, kích thước tàu vỏ thép dễ dàng thi công với kích thước lớn, chiều dài có thể lên đến 250m (với các tàu hàng, chở dầu); 30 - 60m đối với các tàu khai thác cá trong khi vật liệu tàu vỏ gỗ kích thước khoảng dưới 40m. Không gian tàu vỏ thép lớn hơn tàu vỏ gỗ vì thế dễ bố trí các trang thiết bị trên tàu và đảm bảo không gian sinh hoạt cho các thuyền viên trên tàu tốt hơn. Chứa được nhiều nhiên liệu do đó tàu có thể đi biển với thời gian dài.

Với những tàu được sản xuất bởi Liên danh Đông Á- Thịnh Long, tàu được thiết kế phù hợp với nghề khai thác và thói quen khai thác của từng chủ tàu và từng vùng miền. Tàu được đóng với quy trình công nghệ hiện đại như sau: Quy trình được xử lý bề mặt tôn và thép hình trước khi gia công bằng sơn bảo quản có thời hạn ít nhất 6 tháng và sơn theo đúng quy trình sơn mà hãng sơn uy tín đưa ra dưới sự giám sát của cán bộ kỹ thuật hãng sơn. Quy trình hàn bằng máy hàn tự động,bán tự động tùy vị trí và tất cả thợ hàn đều có chứng chỉ hàn của đăng kiểm Việt Nam, Nhật, Mỹ... đáp ứng yêu cầu khắt khe nhất.

Khởi sắc ban đầu

Theo đó, tại Bình Thuận hiện tại Liên danh  Đông Á - Thịnh Long đã triển khai 3 tàu theo mô hình “Chìa khóa trao tay” cụ thể: Tàu khai thác cá nghề câu mang số hiệu BTH 97166 TS của anh Trần Minh Sang ở xã Long Hải, huyện Phú Quý. Tàu thi công với thời gian 3 tháng, đi khai thác được 3 chuyến, doanh thu mỗi chuyến từ 300 - 400 triệu đồng. Tàu khai thác nghề chụp mực mang số hiệu BTH 97336 TS. Chủ tàu Công ty TNHH Thủy Sản Phú Tâm - Giám đốc là anh Nguyễn Thanh Tâm ở thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý, được thi công với thời gian 3,5 tháng, bàn giao cho ngư dân tháng 7/2017. Theo chủ tàu và thuyền viên, tàu đi ổn định hệ thống khai thác hiện đại nên chỉ sử dụng khoảng 8 thuyền viên nhưng vẫn cho sản lượng khai thác cao. Tàu nghề dịch vụ hậu cần mang số hiệu BTH 97222 TS, được thi công với thời gian 3 tháng, bàn giao cho ngư dân tháng 8/2017, hiện đang chờ giấy phép kinh doanh dầu mới để đưa vào khai thác.

Rõ ràng, ngư dân Phú Quý rất mạnh dạn trong việc tìm hiểu những công nghệ mới phục vụ cho khai thác cũng như mong muốn có những con tàu lớn hơn, mạnh mẽ hơn, chính vì vậy họ đã tìm hiểu và quyết định đóng tàu vật liệu vỏ thép. Với tàu vỏ thép thì mớn nước thấp hơn rất nhiều so với tàu vỏ gỗ  (ví dụ: như tàu vỏ gỗ có chiều dài 23m thì mớn nước phải 2,8m lớn hơn cả tàu vỏ thép có chiều dài 32m), tàu vỏ thép xoay trở dễ hơn tàu vỏ gỗ nên sẽ ra vào các cảng dễ dàng hơn. Đến nay, cơ bản các tàu cá đóng mới, nâng cấp khai thác xa bờ theo Nghị định 67 ở Bình Thuận đều bảo đảm chất lượng  và bước đầu phát huy hiệu quả. Quá trình tổ chức thực hiện đóng mới từ khâu thiết kế kỹ thuật, phê duyệt thiết kế, công tác giám sát, kiểm tra an toàn kỹ thuật và việc giám sát thực hiện hợp đồng đóng tàu của chủ tàu trong suốt quá trình thi công đã được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình kỹ thuật. Số lượng tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 được đầu tư đồng bộ, hiện đại, khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển thủy sản, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản và tổ chức lại sản xuất trên biển. Được biết, thời gian tới, UBND tỉnh  Bình Thuận đề nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xem xét bổ sung chỉ tiêu cho tỉnh Bình Thuận thêm 50 chiếc đóng mới. Hy vọng những chiếc “tàu 67” và nhất là những chiếc tàu vỏ thép sẽ mang những khát vọng vươn khơi xa cho những ngư dân Bình Thuận đem về hiệu quả hơn nữa,  cũng là góp phần bảo vệ chủ quyển biển đảo quê hương trên những chuyến ra khơi ấy…        

         
            Ông Phạm Văn Trịnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình    Thuận, Phó Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh cho biết:    Việc đóng tàu vỏ thép đều được Trung tâm Đăng kiểm nghề cá (Tổng cục    Thủy sản) giám sát và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, từ khi    đi vào hoạt động đến nay đều đảm bảo chất lượng và tính năng hoạt    động, chưa có trường hợp nào xảy ra sự cố nằm bờ như một số tỉnh    miền Trung thời gian qua.

Hà Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khát vọng vươn khơi xa