Theo dõi trên

Không bán keo non, tăng giá trị nguyên liệu gỗ

14/03/2019, 09:29 - Lượt đọc: 24

BT - 1. Trồng cây keo lai giâm hom không chỉ phát huy hiệu quả kinh tế ở những khu vực khô hạn, địa hình đồi dốc, mà còn có ý nghĩa lớn về môi trường, gia tăng độ che phủ rừng.  Những năm đầu xuống giống, khi cây keo lá tràm chưa phát triển tán lá, nhiều người nông dân trồng xen canh một số cây ngắn ngày như đậu, mè… lấy ngắn nuôi dài. Lúc tán rộng, người dân nuôi gà, heo đen... quá trình canh tác cây trồng này không tốn nhiều chi phí, nhân công, kỹ thuật. Năm nay, người dân không khai thác keo. Nghĩa là không bán keo non do lợi nhuận không cao, chưa kể thương lái ép giá. Mặc dù tuổi keo của một số hộ đủ tuổi (5 năm), nhưng không khai thác, tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng gỗ mang lại giá thành cao hơn. Nếu trồng rừng mà khai thác bán nguyên liệu giấy, thì chẳng khác gì “bán lúa non” chứ không phải làm lâm nghiệp. Ông Trần Ngọc Hận - Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp khẳng định.

Rừng keo tại xã Thiện Nghiệp.

Thời gian qua, cây keo lá tràm giúp người dân Thiện Nghiệp có nguồn thu nhập ổn định, nhiều gia đình thoát nghèo. Với đặc tính chịu hạn tốt, cây phát triển ở nơi không chủ động được nguồn nước tưới. Sau thời gian trồng 4 - 6 năm thương lái thu mua làm nguyên liệu giấy, người trồng có nguồn thu khoảng 35 - 50 triệu đồng/ha (trừ chi phí), tùy thuộc chất lượng cây. Những vườn điều canh tác không hiệu quả, người dân cũng phá bỏ để trồng cây keo. Toàn xã tổng diện tích rừng khoảng 3.000 ha, trong đó diện tích rừng trồng hơn 1.500 ha thuộc 360 hộ; chủ yếu rừng trồng keo lai giâm hom.

2. Được biết, tình hình chung từ đầu năm đến nay, giá keo làm nguyên liệu giấy có tăng, kéo theo giá keo nguyên liệu trong tỉnh có nhích hơn  chút so với năm 2018.

Một số tỉnh áp dụng mô hình trồng rừng thâm canh cây keo lai theo hướng bền vững, sản xuất gỗ lớn thích ứng với biến đổi khí hậu. Cách tính toán cụ thể, với keo lấy dăm làm nguyên liệu giấy, chu kỳ trồng 5 năm, trừ chi phí, thu lợi chừng 35 - 50 triệu đồng/ha; còn keo lấy gỗ thì chu kỳ khai thác 10 - 12 năm, lại cho giá trị 150 - 180 triệu đồng/ha, chỉ tốn một lần giống, một lần chăm sóc ban đầu... Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu thực tế, gỗ nguyên liệu làm nội thất trong nước chỉ đáp ứng 20%, còn lại phải nhập khẩu 80%. Cách làm của người dân Thiện Nghiệp không khai thác keo non, nuôi trồng xen canh lấy ngắn nuôi dài, là hướng đi giống mô hình trồng rừng một số tỉnh đang thực hiện. Để giá trị sản xuất cây keo này ngày một bền vững khi diện tích canh tác mở rộng, hoặc nhân rộng mô hình trồng rừng keo lấy gỗ với chu kỳ trồng kéo dài sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu gỗ xẻ kinh doanh hàng mộc dân dụng. Qua đó, thay thế dần gỗ rừng tự nhiên, hạn chế nhập khẩu gỗ, nâng cao năng lực cạnh tranh giá trị sản phẩm từ gỗ.                  

Trang Minh 



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không bán keo non, tăng giá trị nguyên liệu gỗ